Với khoảng 8.000 Yên, phụ nữ Nhật Bản có thể thuê một anh chàng đẹp trai đến khóc và lau nước mắt cho họ.
Một trai đẹp làm việc trong dịch vụ này, anh sẽ đến để lấy đi nước mắt của chị em Nhật Bản và rồi nhẹ nhàng lau chúng đi. |
Công ty Ikemeso Danshi có trụ sở tại Tokyo thành lập nên dịch vụ mang tên "những chàng trai lau nước mắt" và một website với dàn nhân viên trẻ, đẹp trai luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi. Một khi được thuê, họ sẽ tới địa điểm được chọn sau đó giúp khách hàng khóc, ngồi nhìn và rồi lau nước mắt cho họ.
Khóc cùng nhau là một trong những trải nghiệm mới mẻ tại Nhật Bản, trước đây xứ sở Mặt Trời mọc từng có những dịch vụ tương tự khá kì quặc như thuê người xem TV cùng, thuê người đi ăn cùng và thậm chí là thuê người để nói chuyện, tâm sự.
Những dịch vụ kì lạ như thế phát triển chủ yếu hướng tới người độc thân do tại Nhật Bản tỷ lệ người độc thân rất cao. |
Ikemeso Danshi được thành lập bởi Hiroki Terai, một doanh nhân với ước muốn giảm thiểu tình trạng suy sụp tinh thần ở người Nhật, đặc biệt là với phụ nữ. Một sản phẩm thành công không kém trước đó của Terai là dịch vụ tổ chức tiệc mừng... ly hôn. Sau khi nhận ra giá trị của những giọt nước mắt và những ích lợi về tinh thần sau khi khóc, Terai mở một loạt dịch vụ xem video buồn vào năm 2013 hướng tới những người muốn giải toả tâm lý thông qua việc khóc.
Dịch vụ ban đầu ấy chưa có những chàng trai đẹp lau nước mắt nhưng nó cho phép nhiều người lạ tập trung tại một địa điểm và khóc tập thể. Tất nhiên họ có thể chia sẻ cùng nhau để vơi đi nỗi buồn.
Sau khi thành công với dịch vụ năm 2013, Terai được mệnh danh là "người buôn nước mắt" do anh ta kiếm được kha khá tiền từ dịch vụ kì lạ này. Thậm chí vào năm 2015 Terai còn cho ra mắt một cuốn sách với tên công ty mình và bên trong đó toàn là hình ảnh của những anh chàng đẹp trai đang rơi lệ.
Hiroki Terai - Nguời "buôn nước mắt". |
Theo thống kê gần đây, tỷ lệ các hộ gia đình chỉ có 1 người chiếm tới 1/3 trong tổng. Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với năm 1995 và nó cho thấy người Nhật ngày càng thích sống một mình hơn. Dự đoán cho rằng tới năm 2035, tỷ lệ người sống độc thân sẽ tăng tới 40%. Những người sống độc thân luôn gặp những rắc rối về tâm lý do họ không có ai chia sẻ cùng, tỷ lệ ly hôn ngày một gia tăng tại Nhật cũng góp phần khiến vấn đề tâm lý tại đây thêm phức tạp hơn.
Theo Van Vu (Trí Thức Trẻ)