Mỗi lĩnh vực khoa học đều tồn tại những sự thật thú vị và đáng kinh ngạc.
Dưới đây là những sự thật bất ngờ về thế giới phân chia theo từng lĩnh vực mà chắc chắn sẽ khiến bạn ồ lên kinh ngạc thích thú và ghi nhớ thật lâu.
1. Sinh học
Có gần 100% khả năng bất cứ cốc nước nào mà bạn uống cũng chứa ít nhất một phân tử nước đã từng đi qua cơ thể của một con khủng long! Đó là bởi khủng long đã tồn tại trong một khoảng thời gian là 186 triệu năm, vì thế số nước chúng uống và thải ra đã được hòa vào vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên. Chim ruồi là loài chim duy nhất có thể bay lùi về sau. Chúng có cấu trúc cơ bắp và cánh đặc biệt giúp chúng di chuyển tương tự như một chiếc máy bay trực thăng: tiến, lùi, bay tại chỗ, và sang trái hoặc phải tùy theo ý muốn. Vi khuẩn cư ngụ tại cơ thể một người nhiều gấp 10 lần số tế bào cấu tạo nên cơ thể người đó. Theo các nhà khoa học, số lượng vi khuẩn ở ngoài da và bên trong người có thể lên đến hàng tỷ tỷ. Vân tay của gấu koala có đặc điểm giống hệt với dấu vân tay của con người, kể cả khi được quan sát tỉ mỉ dưới kính hiển vi điện tử. Nếu không được cho biết từ trước, kể cả những chuyên gia nhiều kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt đâu là vân tay người đâu là vân tay gấu koala. Loài bọ Tardigrade (hay còn gọi là bọ Gấu Nước hoặc Lợn Rêu) chính là loài sinh vật “khó chết” nhất hành tinh. Chúng có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt dù có đông thật lạnh, đun thật sôi, hay thậm chí để trong môi trường nhiễm phóng xạ hay chân không. Khoảng cách thời đại giữa Khủng long bạo chúa và Khủng long phiến sừng Stegosaurus là 85 triệu năm, xa hơn rất nhiều so với chính khoảng cách thời đại giữa Khủng long bạo chúa và con người chúng ta (khoảng 65 triệu năm). Giun đất có những năm trái tim chứ không phải một. Nói chính xác thì năm trái tim này thực ra là những nhịp cơ hình vòm tách rời và cùng bơm máu cho toàn bộ cơ thể của giun. Trái tim của loài cá voi xanh lớn đến nỗi một đứa trẻ có thể dễ dàng bơi qua lại trong động mạch của chúng. Khối lượng của quả tim này cũng cực khủng: 589.6kg! Nhìn con cá voi to thế này cơ mà. Chuỗi ADN của con người giống đến 50% chuỗi ADN của quả chuối. Cả hai chuỗi ADN đều mã hóa rất nhiều phân tử gen tương tự nhau, do có cùng chung những gen gốc do tổ tiên truyền lại. Mật ong là thứ thực phẩm duy nhất không bao giờ bị hỏng. Một hũ mật ong nếu để sau vài nghìn năm vẫn có thể ăn được. |
2. Vật lý
Kể từ khi Sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930 cho đến khi nó bị tước bỏ “danh hiệu” hành tinh vào năm 2006, nó vẫn chưa hoàn thành đủ một vòng quay quanh Mặt Trời. Một “ngày” trên Sao Kim dài hơn một năm trên chính hành tinh này. Nghe qua đã thấy vô lý, nhưng sự thật là phải mất 243 ngày Trái Đất để Sao Kim quay đủ một vòng quanh nó, nhưng thời gian để Sao Kim quay quanh Mặt Trời là 225 ngày Trái Đất. Trên một vệ tinh của Sao Thổ, Titan, lực hấp dẫn quá nhỏ và không khí quá đậm đặc đến nỗi nếu bạn có đôi cánh nhỏ thay cho cánh tay, bạn sẽ có thể bay được. Số lượng phân tử trong một cốc nước còn nhiều hơn số cốc nước chứa hết toàn bộ nước của các đại dương trên Trái Đất. Mưa trên Sao Thổ và Sao Diêm Vương được làm từ kim cương. Đó là nhờ những cơn bão sấm sét tại hai hành tinh này có thể biến methan thành bồ hóng – thứ khi rơi xuống sẽ bị áp suất nén lại thành graphite và cuối cùng là kim cương. Nếu bạn tưởng tượng Mặt Trời giống như một tế bào người, thì xét về kích cỡ, Dải Ngân Hà sẽ to bằng nước Mỹ. Trên lý thuyết, nếu bạn đào một đường xuyên qua Trái Đất và nhảy xuống ở một đầu, thì bạn sẽ chui ra ở đầu bên kia sau 42 phút. Đó là nếu bạn có thể hoàn thành chuyến đi của mình một cách toàn vẹn, điều trên thực tế là không thể xảy ra. |
3. Địa lý và lịch sử
Từ ngoài không gian, bạn vẫn có thể nhìn thấy hai bên Đông Đức và Tây Đức nhờ có những bóng đèn khác nhau được dùng ở 2 phần lãnh thổ nước Đức. Diện tích của nước Nga còn lớn hơn diện tích bề mặt của Sao Diêm Vương (17.075.400km2 so với 16.650.000km2). Thời đại của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra (từ năm 69 - 30 TCN) hóa ra còn gần với thời điểm con người lên Mặt Trăng (1969) hơn là thời điểm các kim tự tháp được xây dựng (khoảng năm 2551 TCN). Trên đỉnh núi Everest cao đến 8.848m, bạn vẫn có thể bắt được sóng mạng điện thoại, nhờ một trạm phát sóng 3G được xây dựng bởi một công ty viễn thông Thụy Điển. 14 năm trước khi vụ đắm tàu lịch sử Titanic xảy ra, một cuốn tiểu thuyết trong đó kể về một con tàu có cùng tên bị đắm bởi lí do tương tự đã được viết lên. Cuốn tiểu thuyết “dự báo trước tương lai” đã được viết bởi Morgan Robertson vào năm 1898. Chúng ta sẽ không bao giờ biết ai là người đã phát minh ra cột nước chữa cháy bởi lẽ bằng sáng chế cho nó đã bị thiêu rụi sau một vụ cháy tại văn phòng sáng chế ở Washington D.C (Mỹ) vào năm 1836. Cứ mỗi hai phút, chúng ta lại chụp nhiều bức ảnh hơn toàn bộ số ảnh cả nhân loại đã từng chụp vào thế kỷ thứ 19. Khi xưởng phim nổi tiếng thế giới Warner Brothers được thành lập vào năm 1923, đế chế Ottoman vẫn còn tồn tại. Đến tận năm 1922, đế chế có từ thế kỷ thứ 13 này mới chính thức sụp đổ. |
4. Văn hóa và đời sống
Một lon Coca-cola thường sẽ chìm trong nước, nhưng một can Coca-cola dành cho người ăn kiêng lại nổi trên bề mặt. Đó là do lượng đường có trong lon nước ngọt thường có nhiều hơn nên tỉ trọng của nó sẽ khiến nó chìm xuống. Nếu con người có thể nghe thấy âm thanh thấp hơn 20Hz, chúng ta sẽ có thể nghe thấy tiếng cơ bắp của chúng ta co thắt. Cứ mỗi 10 người Iceland thì lại có 1 người đã từng viết và xuất bản ít nhất một cuốn sách trong cuộc đời mình. 99% năng lượng mà lò vi sóng tiêu thụ là khi chúng đang ở trạng thái “nghỉ”, chứ không phải lúc mà chúng ta sử dụng để hâm nóng thức ăn. Vì thế, hãy tháo phích cắm khi không dùng để tránh làm lãng phí điện. |
Theo Khánh Linh (Trí Thức Trẻ)