Cái chết – nỗi ám ảnh của con người
Cái chết từ xưa đến nay vẫn luôn là một điều bí ẩn và đáng sợ với con người. Đáng buồn hơn, nhiều người còn phải trải qua những khoảnh khắc cuối cùng của đời mình trong cô đơn ở một nơi xa lạ nào đó, như bệnh viện hay nhà dưỡng lão.
Ở thời xa xưa, người ta luôn trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà thân quen của mình, bao quanh là gia đình, bạn bè và làng xóm. Người thời xưa quan niệm, cái chết là một phần của cuộc sống mà ai cũng phải đối mặt, không cần cuống cuồng ngăn chặn hay né tránh.
Quan niệm cổ xưa ấy đang quay trở lại thời hiện đại. Người ta đang nỗ lực mang đến những trải nghiệm dễ chịu trong thời khắc một người sắp lìa xa cõi đời. Một nghề nghiệp mới xuất hiện - "death doula" – bà đỡ của thần chết. Doula là một từ Hy Lạp cổ chỉ những bà đỡ, bà vú nuôi. Nhưng thay vì dẫn dắt một đứa trẻ vào đời, những doula của thần chết lại làm nhiệm vụ dẫn dắt một linh hồn về thế giới bên kia.
Sự ra đời của nghề bà đỡ tử thần
Bà Janie Rakow, chủ tịch Hiệp hội International End of Life Doula (INELDA), một tổ chức phi lợi nhuận đào tạo những "bà đỡ tử thần" cho biết: "Chúng ta không hiểu về cái chết, nên chúng ta sợ hãi. Các bà đỡ giúp mọi người hiểu hơn về những gì mình sắp phải đối mặt, và đón nhận nó một cách nhẹ nhàng".
Rakow là một "bà đỡ tử thần" giàu kinh nghiệm. Năm 2001, bà gặp khó khăn trong công việc và từ bỏ vị trí nhà hoạch định tài chính để tham gia công tác tình nguyện trong một trung tâm bảo trợ xã hội. Năm 2010, bà được đào tạo để trở thành một "bà đỡ tử thần" - giúp những người hấp hối ra đi thanh thản hơn, tại trung tâm bảo trợ Valley ở Paramus, New Jersey. Chương trình được khởi xướng bởi nhân viên xã hội Henry Fersko-Weiss vào năm 2003.
Rakow cảm nhận được công việc này tác động rất lớn đến người được giúp đỡ, gia đình của họ và chính bản thân bà. Năm 2015, Rakow và Fersko-Weiss đã thành lập INELDA để bắt đầu đào tạo và chứng nhận nghiệp vụ cho các "doula – bà đỡ tử thần".
Những sứ giả thân thiện của thần chết
Công việc của một "bà đỡ tử thần" là tiếp cận một bệnh nhân đang có nguy cơ từ giã cõi đời. Họ trò chuyện với bệnh nhân và cùng nhau ôn lại các cột mốc đáng nhớ trong cuộc sống, giúp bệnh nhân tạo ra những di sản cuối đời. Đó có thể là một quyển nhật kí, một thước phim hay bất cứ thứ gì giúp người ta nhớ đến người sắp khuất. Một bệnh nhân của Rakow đã luôn nấu bữa tối cho hai con trai của mình. Trước khi mất, người mẹ ấy quyết định ghi chép lại tất cả các công thức nấu ăn của mình, kẹp trong một quyển sổ với những bức ảnh gia đình ăn tối cùng nhau.
Con gái của một bệnh nhân khác thì tập hợp những câu chuyện về mẹ mình từ tất cả những thành viên trong gia đình thành một quyển sách, và đem tặng bà vào ngày sinh nhật. Người mẹ mất một tháng sau đó, và quyển sách trở thành những gì mà người ta nhớ về bà.
Các "bà đỡ tử thần" còn giúp bệnh nhân lên kế hoạch cho những ngày cuối đời. Họ tìm hiểu những nơi bệnh nhân muốn đến nhưng không có cơ hội, giúp họ "ghé thăm" những nơi đó bằng hình ảnh mô phỏng và âm thanh. Họ cho bệnh nhân xem những chương trình âm nhạc và phim ảnh yêu thích, đọc cho họ nghe những quyển sách thú vị, và bất kì thứ gì khác có thể đem lại sự thoải mái như nến thơm và hương liệu.
Ngoài ra, các "bà đỡ tử thần" còn giúp an ủi các thành viên trong gia đình bệnh nhân để họ vơi bớt đau buồn. Sau khi bệnh nhân qua đời, người nhà họ vẫn giữ liên lạc với các bà đỡ. Rakow vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình người phụ nữ có cuốn sách kỉ niệm. Bốn năm sau, chồng bà ấy cũng hấp hối. Ông gọi cho Rakow, nhờ bà đến giúp ông và an ủi những đứa con của ông trong những ngày cuối cùng.
Rakow đã thu xếp cho người đàn ông nằm trên giường đặt trong phòng gia đình để cảm nhận bầu không khí thân thuộc và ấm áp. Các thành viên trong câu lạc bộ rượu vang mà ông từng tham gia đến thăm và khen ngợi những thành tích mà ông từng đạt được trong đời. Bằng cách đó, các "bà đỡ tử thần" giúp bệnh nhân vượt qua được nỗi sợ hãi và bình thản nói lời tạm biệt với cuộc sống.
Về ý nghĩa của công việc này đối với chính bản thân mình, Rakow chia sẻ: "Biết mình sẽ chết như thế nào cũng chính là cách để chúng ta biết mình phải sống như thế nào."
Theo Phương Giấy (Helino)