Na Uy đã hoàn thiện phần khung của tòa tháp bằng gỗ cao nhất thế giới ở thị trấn Brumunddal, cách thủ đô Oslo khoảng 100 km về phía bắc, Giới truyền thông hôm qua đưa tin. Tháp Mjostarnet được ca ngợi là công trình thân thiện với môi trường và có khả năng chống hỏa hoạn tốt.
Mjostarnet được xây dựng ven hồ Mjosa, hồ nước lớn nhất Na Uy. Công trình do kiến trúc sư Voll Arkitekter thiết kế, được khởi công xây dựng hồi đầu tháng 9/2017 và dự kiến hoàn thiện vào tháng 3/2019. Tòa tháp 18 tầng này sẽ bao gồm các căn hộ, khách sạn, nhà hàng, văn phòng, khu vực sinh hoạt chung và một bể bơi trong nhà.
Theo Arthur Buchardt, nhà đầu tư của dự án, việc sử dụng gỗ, loại vật liệu có thể tái tạo sẽ giúp giảm 30% lượng phát thải khí CO2 so với bê tông. "Các công trình bằng gỗ sẽ góp phần tạo ra một thế giới trong lành hơn. Tôi muốn truyền tải thông điệp quan trọng này với mọi người thông qua dự án", Buchardt nhấn mạnh.
Không chỉ thân thiện với môi trường, công trình còn có khả năng chống cháy tốt. Các kỹ sư của dự án cho biết tòa nhà sử dụng gỗ phiến nhiều lớp và rất khó bắt lửa. Chúng chỉ bốc cháy khi tiếp xúc liên tục với ngọn lửa trong thời gian dài.
Ban đầu, tháp Mjostarnet được thiết kế cao 81 m, nhưng sau đó được thêm phần khung giây leo cao 4,4 m trên đỉnh tháp, giúp công trình nhỉnh hơn tháp HoHo cao 84 m đang được xây dựng ở thủ đô Vienna của Áo, chưa kể tháp HoHo chỉ được xây dựng từ 76% vật liệu gỗ.
Trong những năm qua, rất nhiều dự án bằng gỗ đầy tham vọng đã được đề xuất như dự án tháp Baobab cao 120 ở Paris, Pháp hay tháp Abebe Court cao 87 m đang chờ thi công ở thành phố Lagos, Nigeria.
Theo Đoàn Dương (VnExpress.net)