Với một cặp sinh đôi cùng trứng bất kì, họ có thể giống nhau đến nỗi bạn không thể phân biệt được ai lớn hơn ai. Nhưng tất nhiên, nếu hỏi, chắc chắn bạn sẽ biết người nào trong số họ đã được sinh ra trước.
Hai bé Samuel và Ronan Peterson trong vòng tay của bố mẹ, Seth và Emily. |
Samuel và Ronan Peterson là hai anh em sinh đôi cùng trứng được sinh ra tại Bệnh viện Cape Cod, bang Massachusett (Mỹ) vào ngày 6 tháng 11 vừa qua. Chỉ vì một hiện tượng rất bình thường mà việc phân biệt ai là anh ai là em trở nên khó khăn rất nhiều: Daylight Saving Time (DST) hay còn gọi là quy ước "giờ tiết kiệm ánh sáng ngày".
Theo đúng quy ước này, các địa phương ở khu vực ôn đới hay gần cực vào mùa hè sẽ chỉnh đồng hồ tăng thêm 1 giờ (hoặc nhiều hơn) so với giờ tiêu chuẩn, vì khi đó ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa đông vài tiếng đồng hồ.
Quy ước "giờ tiết kiệm ánh sáng ngày" là thủ phạm gây ra tình huống hi hữu của cặp sinh đôi. |
Trang tin tức Sức khỏe Cape Cod đưa tin: “Samuel được sinh ra vào lúc 1h39 phút sáng, Chủ Nhật ngày 6 tháng 11, và sau đó 31 phút thì Ronan ra đời, lúc đáng lẽ ra là 2h10 phút sáng. Nhưng vì vào lúc 2 giờ sáng hôm đó, giai đoạn “"giờ tiết kiệm ánh sáng ngày" của năm kết thúc nên đồng hồ quay trở lại giờ gốc, tức là 1h10 phút sáng. Chính điều này đã khiến Ronan trở thành anh trai của Samuel, ít nhất là trên giấy tờ chính thức”.
Vậy là trên giấy tờ thì Ronan là anh nhưng thực tế thì Samuel mới là đứa trẻ ra chào đời trước. Thế nên, nếu có gặp cặp đôi song sinh này, bạn hỏi bố mẹ chúng rằng ai là anh, ai là em thì bạn sẽ nhận được câu trả lời là một câu chuyện khá phức tạp đấy.
Mẹ của hai nhóc, chị Emily Peterson, 32 tuổi, nói với ABC News rằng: “Tôi mất nguyên một ngày mới nhận thức được mọi chuyện. Lúc đầu tôi không nghĩ việc này có gì đặc biệt, cho đến khi một nữ y tá nói với tôi rằng trong số 40 năm làm việc ở đó cô ấy chưa từng biết đến trường hợp nào như vậy”.
Được biết, Samuel và Ronan còn một chị lớn tên là Aubrey, 2 tuổi. Cô Emily chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là trường hợp khá thú vị. Hi vọng chúng sẽ không tranh cãi nhau vì vấn đề này khi lớn lên”.