Tại Bồ Đào Nha, không ai chúc người khác có một ngày vui vẻ. Nếu hỏi một người Bồ Đào Nha rằng: "Hôm nay anh thế nào?" thì câu trả lời tích cực nhất chính là: "Tàm tạm!".
Rất khó để bỏ qua nền văn hóa u sầu đặc trưng của Bồ Đào Nha. Nó thể hiện đầy đủ trên biểu cảm gương mặt của người dân nơi đây và kể cả ở những bức tượng ở quảng trường Lisbon. Tại hầu hết các quốc gia khác, những nhân vật được tôn vinh ở quảng trường thường là các bậc vĩ nhân. Ở Bồ Đào Nha, đó lại là những nhà thơ u sầu.
Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới mới nhất của Liên Hiệp Quốc, Bồ Đào Nha là một vùng đất buồn thảm, đứng thứ 93 trên tổng số 157 nước. Tuy nhiên, việc cảm thấy thương cho họ là điều không cần thiết bởi người dân ở đây bằng lòng với những bất mãn và thực sự tận hưởng nó theo một cách kỳ lạ.
"Nỗi buồn hân hoan" của Bồ Đào Nha được gói gọn chỉ trong một từ: Saudade. Không ngôn ngữ nào có từ ngữ tương tự như vậy và cũng không thể dịch được nó.
Theo diễn giải của người Bồ Đào Nha, "saudade" là nỗi đau dai dẳng về một người, một nơi hay một kinh nghiệm nào đó từng đem lại niềm vui tột độ. Nó có chút tương tự với cảm giác hoài cổ nhưng lại khác ở chỗ là một người có thể cảm thấy "saudade" đối với thứ gì đó chưa từng xảy ra (và có thể sẽ không bao giờ xảy ra).
Gốc rễ của "saudade" là nỗi trống vắng, mất mát. Cô Mariana Miranda, một nhà tâm lý học người Bồ Đào Nha, thắc mắc vì sao người ta lại tránh né nỗi buồn - một cảm xúc quan trọng trong cuộc sống. "Sao lại vẽ tranh chỉ với một màu? Tránh né nỗi buồn bằng mọi giá khiến chúng ta giảm bớt giá trị của mình. Thực ra nỗi buồn rất đẹp" - cô lập luận.
Ngay cả những bức tượng ở Lisbon cũng có vẻ mặt ủ rũ. Ảnh: Alamy |
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người Bồ Đào Nha thật sự hiểu được ích lợi của nỗi buồn. Một nghiên cứu, công bố năm 2008 trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm Xã hội, phát hiện ra rằng nỗi buồn có thể cải thiện trí nhớ con người. Vào những ngày mưa ảm đạm, người ta có thể nhớ về những chi tiết một cách sống động hơn so với những ngày nắng đẹp, theo nhà tâm lý học người Úc và là tác giả chính của nghiên cứu, ông Joseph Forgas.
Một nghiên cứu khác trên cùng tạp chí chỉ ra rằng nỗi buồn cũng cải thiện khả năng đánh giá. Trong nghiên cứu này, những người tham gia được yêu cầu xem các đoạn băng về những đối tượng bị nghi là trộm cắp và đoán xem ai là người nói dối. Kết quả là những người có cảm xúc tiêu cực vào thời điểm đó có khả năng phát hiện chính xác hơn những nghi phạm lừa đảo.
Ngay cả những bản nhạc buồn cũng có nhiều lợi ích. Các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH Free ở thủ đô Berlin - Đức đã khảo sát 772 người trên thế giới và phát hiện ra rằng nhạc buồn "có thể thực sự dẫn đến những hiệu ứng cảm xúc có lợi" bằng cách cho phép con người "điều chỉnh" những tâm trạng tiêu cực. Hai nhà nghiên cứu Stefan Koelsch và Liila Taruffi kết luận nhạc buồn còn có thể kích thích trí tưởng tượng và gợi lên "một loạt những cảm xúc phức tạp và tích cực".
Điều thú vị là lợi ích của nhạc buồn lại rất khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Đối với người châu Âu và Bắc Mỹ, loại cảm xúc mạnh mẽ nhất mà nỗi buồn gợi lên chính là sự hoài cổ. Trong khi đó, người châu Á lại cảm thấy sự an lạc.
Dòng nhạc Fado có thể vang lên ở khắp mọi nơi tại Bồ Đào Nha. Ảnh: Alamy |
Không có nơi nào có những bản nhạc buồn như giống như ở Bồ Đào Nha, đặc biệt là dòng nhạc Fado. Fado có nghĩa là "định mệnh" hoặc "số phận" và trong đó mang vẻ đẹp u sầu.
Loại nhạc này có nguồn gốc gần 2 thế kỷ trước từ tầng lớp lao động cực nhọc ở thủ đô Lisbon. Những ca sĩ fado đầu tiên, hay còn gọi là fadista, là gái mại dâm và vợ của những ngư dân. Hay nói một cách khác, là những người đau khổ.
Ngày nay, fado là bản nhạc nền của cuộc sống ở Bồ Đào Nha. Nó vang lên ở khắp mọi nơi: trên radio, ở những nhà hát và hầu hết là hàng chục ngôi nhà fado ở Lisbon. Một số ca sĩ fado có chất giọng đẹp như thiên thần trong khi những người khác thì không. Ông Marco Henriques, một ca sĩ nghiệp dư, nói:" Bạn có thể có chất giọng xấu và vẫn trở thành một ca sĩ fado tuyệt vời, bởi vì nhạc fado đến từ trái tim".