Anh Joe Quililan, 31 tuổi, từ thành phố Cagayan de Oro, Philippines, được mệnh danh là “người nọc rắn” vì thói quen và khả năng bất thường. Năm 14 tuổi, anh tình cờ đối mặt với một con rắn hổ mang Philippines nhưng do không có kinh nghiệm xử lý tình huống nên Joe bị con rắn này cắn. Mặc dù vậy, Joe không hề đến bệnh viện mà chỉ lặng lẽ về nhà, sinh hoạt như bao ngày bình thường khác.
Thông thường, khi bị loài rắn này cắn, con người sẽ cảm thấy khó thở. Nếu như không nhanh chóng hút chất độc, rất có thể nạn nhân sẽ mất ý thức, nghiêm trọng hơn là tử vong. Tuy nhiên, Joe hoàn toàn khỏe mạnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sau sự cố, Joe tự nhận thấy bản thân có hệ miễn dịch đặc biệt với nọc độc của rắn hổ mang. Kể từ đó, anh luôn cố gắng tìm cách để cải thiện nó.
Mới đây, Joe tuyên bố anh đã đạt được mục tiêu miễn dịch với nọc độc rắn. Anh cho biết để đạt được điều này, anh phải trải qua một quá trình rất gian khổ. Trong suốt những năm qua, anh phải chịu đựng hàng trăm vết rắn cắn, một trong số chúng còn khiến anh phải nhập viện, thậm chí suýt chết 5 lần. Chưa hết, một ngón tay của anh cũng bị cắt đứt do nọc rắn quá độc.
Joe chia sẻ: “Có nhiều lần tôi gặp phải những con rắn rất hung dữ, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc vì chúng có thể giúp tôi miễn dịch với nọc độc sau này”.
Để tăng sức đề kháng của bản thân, Joe cho rắn cắn lên người mỗi tuần một lần, ngoài ra, 3 tuần một lần, anh trực tiếp tiêm nọc rắn vào cơ thể để khỏe mạnh hơn. “Tài năng” đặc biệt còn được Joe đưa lên sóng truyền hình. Sau màn trình diễn đầy ấn tượng, máu của anh được đưa tới Viện nghiên cứu Y học nhiệt đới để phân tích. Kết quả kiểm tra cho thấy cơ thể anh có khả năng trung hòa với nọc độc rắn hổ mang.
Eleonor Cervantes, một chuyên gia nghiên cứu khoa học cấp cao, khẳng định: “Chúng tôi phát hiện ra rằng anh ấy thật sự có thể miễn dịch với nọc rắn hổ mang. Đây là lần đầu chúng tôi gặp trường hợp đặc biệt như vậy”.
Hiện tại Joe đang công tác tại Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippines với nhiệm vụ chính bảo vệ loài rắn, đồng thời giúp người dân nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của chúng trong môi trường tự nhiên. “Tôi yêu rắn. Tôi muốn mọi người nhận ra chúng không nguy hiểm như ta vẫn nghĩ”, Joe nói.
Joe Quililan không phải là người đầu tiên sử dụng phương pháp đau đớn và nguy hiểm này để tăng cường khả năng miễn dịch với nọc rắn. Trước đó, một người đàn ông khác là Tim Friede cũng tuyên bố anh ta có khả năng tương tự.
Theo Ngọc Bích (Saostar.vn)