Các nhà khoa học phát hiện xác kiến hút máu cổ đại trong khối hổ phách ở Myanmar.
Các nhà nghiên cứu phát hiện một khối hổ phách tại Myanmar, bên trong chứa xác một loài kiến hút máu mới có niên đại cách đây 98 triệu năm, Smithsonianhôm 13/9 đưa tin. Loài kiến này được đặt tên là Linguamyrmex Vladi, trong đó Vladi lấy từ tên bá tước ma cà rồng Vlad III Dracula nổi tiếng.
Khác với cấu tạo miệng kiến thông thường, Vladi có hai lưỡi kiếm lớn ở hàm dưới. Các nhà nghiên cứu cho rằng khi gặp con mồi, loài kiến này sẽ nâng hai lưỡi kiếm lên và đâm xuyên qua con vật xui xẻo.
Hàm dưới của Vladi có những đường rãnh giống máng nước có thể đưa haemolymph, một chất lỏng tương tự máu ở côn trùng, vào miệng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thuyết.
"Khi tìm thấy một mẫu vật mới với con mồi, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu. Có thể đó chỉ là vấn đề thời gian", tác giả nghiên cứu, Phillip Barden tại Viện Công nghệ New Jersey, phát biểu.
Ảnh chụp tia X cũng cho thấy, sừng của Vladi được tẩm các hạt kim loại, có thể nhằm giúp chiếc sừng chắc khỏe và chịu được nhiều tác động hơn. Một số loài bọ cánh cứng ngày nay cũng áp dụng phương pháp tương tự với càng tẩm sắt hoặc kẽm.
Vladi có thể sở hữu những chiếc sừng độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, đây lại không phải loài kiến hút máu duy nhất. Các nhà khoa học phát hiện kiến hút máu lần đầu tiên những năm 1920. Năm 1996, một nhà nghiên cứu người Nga phát hiện kiến hút máu kẹt trong một khối hổ phách.
Trong hai thập kỷ qua, các nhà côn trùng học đã nghiên cứu 5 loại kiến hút máu cổ đại. Chúng chính là những loài kiến cổ xưa nhất trên Trái Đất. "Không có hóa thạch kiến nào lâu đời hơn. Nhưng theo những dữ liệu phân tử và phân tích DNA, chúng tôi ước lượng những loài kiến này bắt đầu đa dạng hóa trước đó khoảng 20 - 60 triệu năm", Barden nhận định.
Kiến hút máu có một số điểm tương đồng với các loài kiến ngày nay dù chúng không có quan hệ trực tiếp. Kiến bẫy hàm, một loài kiến nhiệt đới, có thể đóng sập hàm chỉ trong 0,5 miligiây, nhanh gấp 700 lần hành vi chớp mắt.
"Tôi không biết là còn một loài kiến nữa trông kỳ lạ như những con kiến bẫy hàm này", nhà côn trùng học Magdalena Sorger tại Đại học North Carolina nói.
Theo Thu Thảo (VnExpress.net)