Nhà sư D. thông báo với bà Toan rằng ông đã sử dụng bí thuật “đánh đồng thiếp” để kêu gọi âm hồn của những người thân đã quá cố trong gia đình bà Toan dừng việc “ám hại” con cháu ở dương gian. Ngoài ra, để trấn yểm các vong linh này, nhà sư còn hướng dẫn cho bà Toan đóng đinh sắt ở cổng và 4 xung quanh nhà.
Lập tòa, “xử chặt đầu” vong linh bà nội
Bà Nguyễn Thị Toan (SN 1955, trú tại xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng, Hải Dương) rõ ràng là người rất mê muội khi đã bỏ ra số tiền vô cùng lớn – theo ước tính của bà là hơn 2 tỷ đồng – để cúng lễ, khấn vái, giải hạn. Trong khi đó, gia cảnh của bà thuộc dạng bần hàn, nhà cửa dột nát, con cái điên loạn, bệnh tật. Sự đau đớn và đen đủi ấy một phần do nhận thức hạn chế của bà Toan, phần khác do “mê trận” cúng bái, lừa lọc mà ai đó đã giăng ra. Trong khuôn khổ loạt bài tìm hiểu về “thuật và tà thuật” này, người viết hi vọng làm rõ hơn về những thủ thuật, phương cách đã được áp dụng khiến bà Toan trở nên lú lẫn, thậm chí bị sai khiến.
Chuyện bắt đầu đơn giản từ việc cháu ngoại của bà Toan khóc đêm rất nhiều. Bà Toan dự định “bán” đứa bé vào chùa làng, với mong muốn thần Phật bảo hộ, giúp nó tránh tà ma quấy nhiễu.
Bà kể rằng: “Ban đầu, tôi định bán cháu vào chùa làng, song, khi tôi vui miệng kể với một người phụ nữ cùng làng, chị ta ngăn tôi, và khuyên tôi nên bán cháu vào chùa Đồng Niên (tp. Hải Dương). Chị ta bảo tôi đưa 600 nghìn để mua 4 mặt Phật, trên đó ghi đầy đủ tên họ, ngày sinh tháng đẻ của mấy người nhà tôi. Chị ta còn cho tôi mấy cái bùa, bảo về đốt ở giữa cổng, như vậy thì nhà tôi sẽ có quan tướng bảo vệ”.
Đứa bé vẫn khóc ngằn ngặt, trong khi bà Toan liên tục bị thúc ép bởi những luận điệu ma mị, đầy tính dọa dẫm – trong “vở kịch” này, có bóng dạng của sư D, trụ trì chùa L.T ở thành phố Hải Dương.
Bà Toan tường thuật: “Cụ (ý nói đến sư trụ trì chùa L.T) bảo tôi rằng nhà tôi nằm trên đất Ngũ Quỷ, là đất cực dữ. Vì thế, cụ phải xuất hồn xuống Âm phủ để dẹp loạn cái bọn quỷ nằm ở đất nhà tôi. Sau khi “đánh đồng thiếp”, cụ thấy phía dưới đất nhà tôi tối như mực, ma rất nhiều, kẻ cười người khóc, người cởi truồng cởi trần, cụ không biết là ai vào với ai, tối quá nên cụ đi lên. Vài ngày sau, cụ lại đánh đồng thiếp xuống đất nhà tôi, cụ gặp cái vong bộ đội đang áp vào cái Trang (là người con gái thứ 3 của bà Toan).
Vong này theo bám cái Trang rất ghê, vì thế, cụ phải xây nhà, cưới vợ cho nó, thì nó mới chịu đi. Tiếp tục, 3 ngày sau, cụ lại thông báo rằng con giai của nhà cái Hương (con gái thứ 2 của bà Toan) bị anh nó ám vào – cái Hương bị sảy đứa đầu mà. Cụ tiếp tục đánh đồng thiếp xuống đất. Vì thằng anh còn bé quá chưa biết đi, cụ phải để nó bú sữa với em nó 10 ngày, rồi mới cho nó đi được.
Chưa hết, nửa tháng sau, cụ lại soi thấy cái vong Tàu nó nằm ở trong người cái Hương, cụ bảo cụ cho nó ra mãi mà không được vì nó ác quá. Cuối cùng, cụ nịnh nó vào chùa Sóc Trăng, ở đấy có tất cả vong Tàu. Tất cả 4 lần đánh đồng thiếp ấy mất tất cả vào 200 triệu”.
Không dừng ở đó, có dấu hiệu cho thấy người ta muốn lợi dụng sự mê lú và sợ hãi của bà Toan để kiếm tiền. Vẫn là câu chuyện ma quái mà họ rót vào đầu óc bà Toan: “Cái vong Tàu nhớ cái Hương quá nên quay về, không chịu ở trong Sóc Trăng nữa. Phải chạy 150 triệu để cho cái vong Tàu ấy ra.
Cái vong Tàu này có vòi phun lửa, may mà cụ tránh được chứ không thì cụ mù mắt. Sau đó, cụ phải cho cái vong Tàu vào ngục thứ 13. Nửa tuần sau, lại có tin là cụ Chài (là mẹ chồng tôi), cụ có một cái nón rách với 7 cái sừng, đang nằm trong người cái Trang nên nó mới điên. Hiện giờ, phải lập tòa xử kiện bà cụ.
Đến ngày lập tòa, phải đi vay 150 triệu, phải cho bà cụ Chài ra. Nhưng, đến ngày xử án, bà ấy bảo là bà nội của nó, nên có quyền nằm trong người nó, nên không ra. Thế là mất trắng 150 triệu. Để “tróc” bà cụ Chài ra khỏi người cái Trang, người ta bày cách cho tôi đón 24 nhà sư trong Sóc Trăng, mất 240 triệu là cho bà cụ Chài ra. Đầu tiên cho bà cụ ăn một bát cháo lú, rồi một cụ 102 tuổi mới rút cái vòi ở đầu bà cụ Chài ra, máu tươi phọt ra thì cái Trang mới thoát”.
Vậy mà đã chịu đâu, mấy ngày sau, đến lượt ông Thông (chồng của bà Toan – PV) bị phán là chết yểu. Nhà sư sai đệ tử đưa cho ông Thông mấy lá bùa, mấy cái đinh. Ông Thông phải đốt lá bùa ở hai góc nhà và đóng đinh cạnh cổng, bốn góc thửa đất nhằm tránh tà ma.
Huyền tích về bí thuật “đánh đồng thiếp”
Những lá bùa mà nhà sư đưa cho ông Thông đã bị đốt thành tro bụi, còn mấy chiếc đinh cũng bị ông nhổ lên, vứt đi. Vì thế, rất khó phán đoán loại bùa chú mà nhà sư đã sử dụng đối với gia đình ông Thông – bà Toan. Điều duy nhất rõ ràng là chi tiết về việc “đánh đồng thiếp” để xua đuổi ma tà, yêu quỷ mà nhà sư đã tiến hành.
Một nhà văn hóa dân gian cho hay, khái niệm đồng thiếp là thuật phù phép xuất hồn ra khỏi xác để đi vào cõi âm tìm linh hồn người thân đã chết, hoăc vào cõi tâm linh khác như cõi trời, cõi thủy phủ … Khi đó người ứng đồng sẽ nằm trên giường thiếp đi như đang ngủ nên gọi là đánh đồng thiếp.
Đôi khi người ta hay nói vui đi ngủ là đánh đồng thiếp. Cụ thể hơn, thuật đánh đồng thiếp xuất phát từ văn hóa Trung Hoa. Những người làm phép đưa linh hồn xuống cõi Âm đều được các Pháp sư đội khăn vải tơ điều, phủ kín mặt rồi ngồi trước bàn thờ. Pháp sư đọc “chú”, là những bài bí truyền, để dẫn hồn.
Sau đó, 10 người trong đám thầy phù cùng vũ lộng và xướng lên những bài ca man dại có tính ma quái nhằm đưa hồn người sống xuống cõi Âm. Sau khoảng một thời gian, người xuất hồn đi xuống cõi Âm tỉnh dậy, luôn trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức như thể đã vượt qua một quãng đường dài đầy nan thác.
Song, các nhà khoa học hiện đại giải thích “đánh đồng thiếp” chẳng khác nào thuật thôi miên, áp dụng bằng điện lực. Những hình ảnh tưởng như cõi Âm mà người tham gia đánh đồng thiếp nhìn thấy chẳng qua chỉ là ảo giác trong lúc không kiểm soát được bản thân.
Đặc biệt, thuật “đánh đồng thiếp” lại không nằm trong hệ thống của Phật giáo. Trao đổi về vấn đề này, đại đức Thích Thanh Nhung (trụ trì chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội) cho rằng: “Ngày còn nhỏ, tôi có nghe các cụ nói về chuyện đánh đồng thiếp để đưa hồn người sống vào cõi Âm. Nhưng, đó chỉ là tín ngưỡng dân gian.
Khi bước chân vào con đường tu tập Phật học, tôi biết rằng thuật đó không có trong kinh sách. Nhà Phật không chủ trương những cái đó. Chẳng qua, đối với những nhà sư vẫn còn đam mê với các thuật, các pháp khác, thì tôi chỉ có thể giải thích rằng ai sinh ra cũng có “nghiệp” – nặng nhẹ khác nhau – thế nên, đối với những nhà sư chưa tu quyết liệt, chưa loại bỏ được cái “nghiệp”, thì dễ dàng rơi vào “nghiệp” cũ, tức là theo Đạo Thánh. Còn như trong Phật giáo thì không có bùa, chỉ có “chú”. Tất nhiên, trong một tình thế nào đó, nhà sư cung cấp bùa cho Phật tử, có lẽ là cũng chỉ để trấn an mà thôi”.
Quay lại với trường hợp của bà Toan ở Hải Dương, số phận của bà đã trở nên vô cùng đắng cay khi rơi vào mê trận của các thuật mà vị sư áp dụng. Bà cay cực thốt lên: “Khi chưa đánh đồng thiếp thì hai đứa con gái nhà tôi còn bình thường. Sau khi đánh đồng thiếp, cái Hương suốt ngày tha thẩn, bỏ cả việc, bỏ cả ý định đi Hàn Quốc. Cái Trang phát rồ hoàn toàn. Không ai coi là nó bỏ nhà đi ra bãi ngô ở bờ sông. Sống không bằng chết”.
Theo Hoài Sơn (Tuổi Trẻ & Đời Sống)