Thông thường, khi một người qua đời, thì một là chôn cất theo kiểu truyền thống (địa táng), và hai là đem đi hỏa thiêu (hỏa táng). Chỉ có một điều đáng suy ngẫm, là cả hai hình thức rốt cuộc cũng đều là trả lại hình hài này cho đất mẹ. Chôn thì để chờ cho phân hủy (khá lâu), và hỏa thiêu thì đem tro rải trả lại về đất (mau chóng), nhưng chôn thì ít nhiều cũng tốn đất, và hỏa thiêu thì tốn cũng khá nhiều lửa củi…
Thế nhưng, chuyên gia sinh học người Đan Mạch Susanne Wiigh-Mäsak đã đề xuất một mô hình giải quyết chuyện chôn cất một cách khá thú vị.
Thoạt tiên, thân xác được đặt trong bồn làm lạnh xuống nhiệt độ -18oC rồi cho vào một chiếc quan tài bằng gỗ thật rẻ tiền, vì thật sự là ở đây chiếc quan tài không phải là điều cần thiết. Kế đến, quan tài được dây chuyền đưa qua một ngăn hộc để thu hồi còn thân xác thì chuyển qua sàn kim loại để hệ thống nitrogen lỏng phun xuống phủ hết toàn thân. Một khi được nitrogen lỏng bao phủ, thân xác sẽ lập tức biến thành băng và trở nên rất giòn.
Kế đến, một hệ thống cơ học sẽ rung lắc trong 60 giây với biên độ 5 cm làm cho thân xác, lúc này đã biến thành băng rất giòn, rã ra thành từng mảnh nhỏ rồi được chuyển tiếp vào bồn chân không để được thu hồi nước. Đến giai đoạn này thì “thân xác” chỉ còn là những mảnh vụn khô với kích thước từ 2 - 4 mm, được đưa qua một bồn khác để tách các thành phần kim loại như đinh-ốc-vít bắt vào xương nơi những người đã bị tai nạn gãy xương, và nhất là chất thủy ngân trám răng vốn rất độc, không để phát tán vào môi trường đất.
Cuối cùng, cả một thân xác nay chỉ còn lại 30 % so với khối lượng ban đầu, được cho vào một chiếc hộp cỡ 1m2 làm bằng bột bắp chôn xuống cách mặt đất từ 30 - 50 cm là xong. Chỉ cần từ 6 - 12 tháng là tất cả sẽ biến thành loại đất mới đầy dinh dưỡng. Và điều thú vị nữa là bên trên sẽ được trồng cây để tận dụng chất dinh dưỡng từ loại 'đất mới' này.
Hiện Thụy Điển đã được chọn để thử nghiệm mô hình này trước khi phổ biến ra toàn thế giới.
Theo Bùi Kim Sơn (Khampha.vn)