Đám cưới 600 khách lạ không mời mà đến

21/04/2015 22:51:55

Khi chú rể Shafiqullah bước vào hội trường đám cưới ở thủ đô Kabul, Afghanistan, anh ngạc nhiên thấy có thêm 600 khách không mời lạ mặt.

Khi chú rể Shafiqullah bước vào hội trường đám cưới ở thủ đô Kabul, Afghanistan, anh ngạc nhiên thấy có thêm 600 khách không mời lạ mặt.

Bàn tiệc đầy ắp thịt cừu, thịt gà, hoa quả, cơm rang và bánh pudding ở một đám cưới Afghanistan. Ảnh: NY Times

 
Tuy nhiên, anh biết mình phải phục vụ họ. "Nếu tôi không mời họ ăn, đó là một sự sỉ nhục và khiến ngày cưới của tôi mất vui," Shafiqullah, 31 tuổi, nhân viên bán xe hơi, giải thích.
 
Do đó, anh bảo lễ tân tại hội trường Kabul, nơi tổ chức đám cưới, tăng gấp đôi suất ăn đã đặt. Việc này khiến chi phí đám cưới đội lên gần 30.000 USD, số tiền tương đương cả gia tài nhỏ ở đất nước nghèo khó Afghanistan.
 
Đó là chuyện thường thấy ở Afghanistan, nơi đám cưới thể hiện lòng hiếu khách và sự tận tâm với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, tổ chức đám cưới thường gây căng thẳng cho nhiều thanh niên Afghanistan. Họ phải vay mượn để lấy vợ và mất nhiều năm để trả nợ.
 
Ở những quốc gia khác, các cặp đôi phải vất vả lắm mới mời được 500 khách đến dự tiệc cưới. Tuy nhiên, ở Afghanistan không có chuyện như vậy.
 
Shafiqulla đã lên danh sách 700 khách mời từ 6 tháng trước. Ngoài khách nhà gái, anh còn mời "họ hàng của tôi, họ hàng của họ hàng tôi, hàng xóm, những người sống ở khu vực lân cận, và đương nhiên, là người làng, nơi tôi sống trước khi chuyển đến Kabul; 100-150 đồng nghiệp cùng công ty, và những nhân viên bán xe ở công ty khác nữa."
 
Trong số 1.300 người có mặt ở đám cưới, anh phải rất vất vả mới nhận ra họ giữa những vị khách không mời mà đến. "Tôi không quen hơn một nửa số khách nhà trai," anh nói. "Đám cưới thật tuyệt, nhưng cũng đáng lo ngại, bởi lẽ họ là những người tôi chưa gặp bao giờ." Mặc dù vậy, anh vẫn dằn vặt vì "có vài người bạn than phiền không được mời dự đám cưới."
 
Hàng đêm, đám đông hòa vào dòng người đi đám cưới ở Kabul được gọi là "toi paal", kẻ ăn chực. Tiệc cưới ở đây thường đầy ắp thịt cừu, thịt gà, cơm rang thập cẩm, sữa chua, trái cây và bánh pudding.
 
"Mỗi đêm một đám cưới, không cần phải lo đói," là khẩu hiệu mà thanh niên Kabul, thủ đô Afghanistan, đều quen thuộc.
 

Xe hoa đậu trước hội trường cưới City Star ở thủ đô Kabul. Ảnh: NY Times

 
Người dân ở đây vẫn bàn tán về đám cưới con trai út một phó chủ tịch thành phố cách đây vài năm. Ông này thuê hai hội trường cưới khổng lồ, cũng như hai khách sạn đẹp nhất Kabul, mời 4.000-7.000 khách đến dự.
 
Trì hoãn kết hôn vì chi phí cưới
 
Gần đây, Quốc hội Afghanistan đã thông qua một dự luật, giới hạn khách mời đám cưới ở mức 500 người. Dự luật được thanh niên Kabul hưởng ứng nhiệt liệt, và đang chờ phê duyệt chính thức.
 
Những người trẻ tuổi, không có bố làm quan to, là những người ủng hộ hăng hái nhất.
 
"Tôi đề nghị tổng thống ký luật này," Jawed, 24 tuổi, bán vải ở một gian hàng nhỏ trong trung tâm mua sắm dưới tầng hầm, nói. "Tôi khẩn cầu ông ấy sớm ký luật này, để những người như tôi có thể nhanh chóng lấy vợ."
 
Nhiều trường hợp, chi phí làm đám cưới quá cao khiến người dân trì hoãn kết hôn trong nhiều năm.
 
Ahmad Walid Sultani, chủ sở hữu một cửa hàng văn phòng phẩm, nói rằng anh hy vọng một ngày nào đó, sẽ tự in thiếp mời cho đám cưới của mình, chứ không chỉ cho người khác. Anh đã đính hôn được 7 năm, và đang tiết kiệm tiền để chi trả "cho tất cả các khoản quá mức cần thiết cho một đám cưới."
 
Theo truyền thống ở Kabul, nhà gái không trả tiền tổ chức đám cưới. Gần đây, khi anh họ vợ chưa cưới của Sultani kết hôn, phía nhà gái đã mời đến 1.500 khách. Do đó, như mọi thanh niên khác, Sultani lo ngại rằng, họ thích tổ chức một đám cưới hoành tráng, vượt quá khả năng của anh.
 
"Tôi hiểu rằng, khi lấy vợ, phía nhà gái sẽ đặt gánh nặng lớn lên tôi," anh nói. Khác với Sultani đã đính hôn trước khi tiết kiệm tiền lấy vợ, đối với nhiều thanh niên khác, trước khi tìm ý trung nhân, họ phải lo kiếm tiền trả cho đám cưới đã.
 
"Tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ trong thời gian dài trước khi đủ tiền lấy vợ," Fayaz, 19 tuổi, bán đĩa DVD lậu ngoài đường, nói. Cậu dự trù đám cưới sẽ tốn khoảng 8.500 USD.
 
Để trả cho một đám cưới như vậy, đàn ông Kabul tìm cách vay mượn ngân hàng, anh chị em hoặc người thân. Họ thường trao đổi về viễn cảnh hậu đám cưới, trong đó, chú rể trẻ tuổi, ngay khi kết thúc hôn lễ phải sang Iran hoặc Dubai làm thuê kiếm tiền trả nợ. Và kết cục thường là, các ông chồng sau nhiều năm lao động xứ người, thân tàn ma dại hoặc tay trắng về nước.
 
Tuy nhiên, thuê hội trường và tiền cỗ chỉ tốn một khoản nhỏ. Chú rể còn phải mua trang sức vàng tặng cô dâu. Ngoài ra, họ còn phải trả một số tiền nhất định cho nhà gái hoặc vợ chưa cưới để "mua dâu". Số tiền này là của hồi môn cho cô dâu.
 
Những tranh cãi
 
Trong khi đó, dự luật hạn chế khách mời đám cưới đang chờ đạt được thỏa thuận cuối cùng trước khi trình lên tổng thống. Nghị viện Afganistan đề nghị số lượng khách tối đa là 400, còn thượng viện là 500.
 
Dự luật này bị những người bảo vệ quyền phụ nữ, chủ hội trường cưới, và công đoàn khách sạn phản đối. Họ đang lên kế hoạch vận động Tổng thống Ashraf Ghani phủ quyết nó.
 
Shukria Brrakzai, thành viên quốc hội, nói rằng bà phản đối điều khoản trong dự luật. Theo đó, khách mời phải chia ra ngồi theo giới tính, và phục trang cho cô dâu nên hạn chế vừa phải.
 
"Điều này liên quan đến đời tư và quyền cơ bản của công dân," bà tuyên bố.
 
Các chủ hội trường cưới cũng có lập luận riêng. Họ cho rằng, cắt ngắn danh sách khách mời không chỉ là sự sỉ nhục với truyền thống người Afghanistan, mà còn tăng khoảng cách giữa hai bên gia đình, và suy yếu mối quan hệ xã hội, họ tộc vốn tồn tại lâu đời ở Afghanistan.
 
"Nếu không mời chúng tôi dự đám cưới, đừng kỳ vọng chúng tôi vác quan tài cho bạn," sẽ là cách phản ứng của những người Afghanistan bị loại khỏi danh sách khách mời, Hajji Ghulam Sadiw, chủ hội trường cưới Oranos, cho biết.
 
Sayed Yaqoot, chủ phòng cưới Saltan City, mặc áo đen và bộ âu phục màu nâu, cho rằng luật mới sẽ làm tê liệt ngành kinh doanh tiệc cưới, một trong những ngành công nghiệp ít ỏi phát triển mạnh trong nền kinh tế quặt quẹo của Afghanistan.
 
"Họ sẽ làm gì nếu mất việc?", Yaqoot nói, đề cập đến hàng nghìn hầu bàn và nhân viên làm việc. "Gia nhập khủng bố Taliban chắc?"
 

Hầu bàn làm việc cật lực, chuẩn bị cho tiệc cưới sắp diễn ra ở hội trường City Star. Ảnh: NY Times

 
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)