Nhà tù Bastoy tọa lạc trên một hòn đảo Bastoy, ngoài khơi bờ biển Oslo, Na Uy, cách đất liền chỉ khoảng 2,4 km. Để đến được đây, con đường duy nhất là đường thủy. Nơi đây là “nhà” của hơn 100 tù nhân với đủ mọi thể loại tội phạm từ cưỡng bức, giết người đến buôn bán ma túy.
Nếu như nhà tù ở nơi khác kinh khủng không khác gì “địa ngục trần gian” thì Bastoy lại được xem là thiên đường nghỉ dưỡng sang chảnh. Tại đây, các tù nhân không phải mặc áo tù, không sống trong không gian chật hẹp đằng sau song sắt. Thay vào đó, họ được mặc trang phục thoải mái, sinh hoạt dưới cùng 1 mái nhà, mỗi người đều có phòng riêng và sử dụng chung không gian nhà bếp rộng rãi. Mỗi ngày, tù nhân tự chế biến thức ăn từ thực phẩm mua từ siêu thị địa phương được cai ngục cung cấp đầy đủ. Không chỉ vậy, mỗi người còn được nhận khoản trợ cấp 90 USD (hơn 2 triệu đồng) cho mỗi tháng ở tù.
Nhiều người cho rằng nhà tù Bastoy trông giống một khu nghỉ dưỡng cao cấp hơn là cơ sở giáo huấn. Nhưng chính phủ Na Uy tin rằng việc tiếp cận một cách nhẹ nhàng những tên tội phạm nguy hiểm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Bastoy được Na Uy gọi là “nhà tù sinh thái”. Ở đây, tù nhân vẫn có thể làm việc, kiếm thêm thu nhập bằng nhiều công việc khác nhau như trồng trọt, chăm sóc ngựa, sửa xe đạp, làm đồ gỗ… Tất cả mọi người sẽ được tham gia lớp học, các khóa huấn luyện để học hỏi những kỹ năng mới trước khi ra tù. Thời gian rảnh rỗi, các tù nhân được phép lui tới trường học, nhà thờ, thư viện hoặc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như cưỡi ngựa, câu cá, tennis, tập gym, tắm biển…
Để có thể làm việc tại nhà tù Bastoy, người lính gác phải trải qua 3 năm rèn luyện các kỹ năng như một nhân viên xã hội thay vì chỉ đơn giản là sĩ quan nhà giam cứng nhắc.
“Nhà tù Bastoy không chỉ là một địa điểm cải tạo tuyệt vời, một hòn đảo xinh đẹp mà nơi đây sẽ tạo điều kiện cho tù nhân thay đổi chính mình. Lính gác đóng vai trò rất quan trọng tại nhà tù Bastoy bởi họ vừa là nhân viên xã hội, vừa đảm nhận nhiệm vụ cai ngục. Tất cả họ đều tin vào công việc của mình và sự khác biệt mà công việc của họ tạo ra” - Arne Kvernvik Nilsen, người đứng đầu nhà tù Bastoy, cựu bộ trưởng đồng thời là nhà tâm lý học, nói với tờ Guardian.
Không phải tất cả các nhà tù ở Na Uy đều vận hành theo phương thức kỳ lạ như nhà tù Bastoy. Nhưng tất cả đều hoạt động dựa trên nguyên tắc: bởi vì luật pháp ở Na Uy không có mức án chung thân hay tử hình, sự trừng phạt duy nhất mà chính phủ chủ trương dành cho những tên tội phạm là tước đi sự tự do của họ, giảm thiểu mức độ đau khổ mà tù nhân phải chịu đựng xuống mức tối đa. “Mất đi tự do là hình phạt cao nhất dành cho những tên tội phạm. Trong quá trình giam giữ, chúng ta nên tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro mà họ sẽ gây ra cho xã hội sau khi mãn hạn tù” - ông Nilsen nói.
Có lẽ đây chính là một trong những lý do tỉ lệ tái phạm tội của tù nhân ở Na Uy chỉ dừng ở mức 20% tính trong vòng 2 năm sau khi ra tù, theo kết quả báo cáo vào năm 2010. Trong khi đó, con số này giảm xuống chỉ còn 16% nếu tính riêng nhà tù Bastoy.
Vì cách bờ biển chỉ 2,4 km, việc trốn thoát khỏi nhà tù Bastoy hoàn toàn không phải là việc bất khả thi. Từng có nhiều người muốn thử nhưng rồi lại từ bỏ ý định bởi một khi bỏ trốn và bị bắt, họ sẽ bị gửi tới một nhà tù khác được canh phòng nghiêm khắc hoặc có thể bị kéo dài thời gian thi hành án. Do đó, không có một tên tội phạm nào muốn đánh cược cuộc sống ở tù thoải mái để đổi lấy điều bất lợi.
Ngoài ra, Na Uy còn có chính sách chăm sóc liên tục, theo đó tù nhân sau khi ra tù sẽ được cung cấp những dịch vụ giúp đỡ về nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Những dịch vụ này bắt đầu trước cả khi họ được thả ra, như một vài tù nhân được cấp phép làm việc ở bên ngoài 18 tháng trước khi mãn hạn tù.
Theo BK (Helino)