Có cuộc chiến kéo dài tới hơn 2.000 năm chỉ vì hai phe quên hoàn toàn việc ký thỏa thuận hòa bình khi chiến tranh kết thúc.
Quân Hy Lạp và Ba Tư giao chiến. Ảnh: Wikispaces. |
Trong lịch sử, có nhiều quốc gia vẫn là kẻ thù của nhau trong cuộc chiến không bao giờ kết thúc một cách chính thức vì những nhầm lẫn trong ngoại giao. Những cuộc chiến đó trên danh nghĩa có thể kéo dài hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, dù hai phe không còn giao tranh với nhau trên chiến trường, theo Business Insider.
Hy Lạp và Ba Tư (449 trước Công nguyên-1902)
Năm 499 trước Công nguyên, đế quốc Ba Tư phát động cuộc chiến chinh phạt nhiều bang thành của Hy Lạp. Sau 50 năm giao tranh khốc liệt, người Ba Tư quyết định ngừng tham vọng xâm lược Hy Lạp vào năm 449 trước Công nguyên.
Vì không có bất cứ một văn kiện hòa bình nào được ký sau cuộc chiến, Hy Lạp và Ba Tư không khôi phục quan hệ ngoại giao bình thường trong suốt nhiều thế kỷ sau. Mãi tới năm 1902, sau 2.393 năm duy trì trạng thái thù địch, Ba Tư, lúc đó chưa đổi tên thành Iran, mới bổ nhiệm nhà ngoại giao đầu tiên tới Hy Lạp để thiết lập mối quan hệ hòa bình giữa hai quốc gia.
Công quốc Montenegro và đế quốc Nhật (1904-2006)
Vào năm 1904, Công quốc Montenegro tuyên chiến với đế quốc Nhật Bản nhằm ủng hộ Nga trong chiến tranh Nga - Nhật. Do khoảng cách địa lý xa xôi, không hề có cuộc đụng độ trực tiếp nào trên chiến trường giữa hai quốc gia này.
Khi Nga và Nhật ký hiệp ước hòa bình, Công quốc Montenegro không được nhắc đến trong văn kiện. Sau khi Montenegro ly khai khỏi Serbia năm 2006, các quan chức Nhật mới đến thăm quốc gia vùng Balkan này, vừa để công nhận nền độc lập của họ, vừa gửi thư tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh giữa hai nước.
Đảo Scilly và Cộng hòa Hà Lan (1651-1986)
Cộng hòa Hà Lan tuyên chiến với nhóm đảo Scilly do Anh kiểm soát vào năm 1651, vì các đảo này chứa chấp cướp biển chuyên tấn công đoàn tàu vận tải Hà Lan. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa quần đảo Scilly và Cộng hòa Hà Lan nhanh chóng bị quên lãng bởi cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan lần đầu tiên.
|
Tàu chiến Anh và Hà Lan giao tranh trên biển. Ảnh: Business Insider. |
Dù Hà Lan và Anh tuyên bố chấm dứt xung đột vào năm 1654, nhóm đảo Scilly không được đưa vào quá trình đàm phán hòa bình. Sơ suất về ngoại giao này khiến Scilly và Hà Lan vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, cho đến khi đại sứ Hà Lan thăm quần đảo Scilly vào năm 1986, chính thức công bố nền hòa bình giữa hai bên.
Làng Huescar và Đan Mạch (1809-1981)
Trong lúc cuộc chiến của Napoleon diễn ra khắp châu Âu, một ngôi làng nhỏ của người Huescar trên đất Tây Ban Nha đã tuyên chiến với Đan Mạch vào năm 1809. Khi đó, Đan Mạch là đồng minh của Pháp, còn ngôi làng này rất mong chờ cuộc chiến chống lại Napoleon và đồng minh của ông.
Tuy nhiên, văn kiện tuyên chiến nhanh chóng đi vào quên lãng bởi chính những người dân của ngôi làng và chỉ được vô tình phát hiện vào năm 1981. Sau đó, đại sứ Đan Mạch đã tới Tây Ban Nha, xác nhận hòa bình với ngôi làng.
Lijar và Pháp (1883-1983)
Cũng như Huescar, Lijar là một ngôi làng thuộc Tây Ban Nha. Họ đơn phương tuyên chiến với Pháp vào năm 1883, sau khi vua Tây Ban Nha Alfonso XII bị một nhóm người Pháp bôi nhọ.
|
Quân Pháp trong chiến tranh châu Âu. Ảnh: Business Insider. |
Mặc dù tuyên bố chiến tranh, Lijar và Pháp chưa bao giờ đối đầu trên chiến trường. Tới năm 1983, Pháp cử một tổng lãnh sự từ thành phố Malaga, Tây Ban Nha tới Lijar để tham gia lễ chúc mừng nền hòa bình giữa hai bên.
Theo Hạ Vy (VnExpress.net)