Tục ngữ phương Tây có câu "We sweated blood" (tạm dịch: đổ mồ hôi ra máu), nhằm ám chỉ việc gắng sức đến cùng cực để làm một việc gì đó, tương tự như câu "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" của người Việt Nam.
Nhưng tin được không, hóa ra hiện tượng "đổ mồ hôi ra máu" trong thành ngữ kia lại là hiện tượng có thực. Như trường hợp của cô gái 21 tuổi tại Ý mới đây là một ví dụ điển hình.
Theo lời bác sĩ, cô đến bệnh viện trong tình trạng máu chảy đầm đìa khắp mặt và tay. Nhưng lạ ở chỗ toàn thân chẳng có vết thương nào, cũng không phải "đến tháng". Các xét nghiệm xác nhận rằng chất lỏng màu đỏ trên cơ thể cô chính là máu.
Vậy nguyên nhân là gì? Đó là một chứng bệnh rất kỳ lạ, mang tên hematohidrosis - còn gọi là chứng mồ hôi máu - một chứng bệnh rất hiếm và bí ẩn với khoa học hiện nay.
Nguồn gốc của hội chứng này đã xuất hiện từ cách đây cả ngàn năm, trong các tài liệu do triết gia Aristotle biên soạn. Leonardo da Vinci cũng từng ghi lại trường hợp một người lính đổ mồ hôi máu trước khi ra trận. Đến năm 1996, có 2 bác sĩ đã quyết định xếp đây là một căn bệnh, dựa trên 76 trường hợp được ghi nhận từ thế kỷ 17 đến năm 1980.
Tuy nhiên, hội chứng này vẫn chưa được công nhận rộng rãi bởi toàn thể giới y học. Sách giáo khoa da liễu Elsevier năm 2012 có ghi rõ rằng Hematohidrosis chưa được khoa học xác nhận, dù rằng trước và sau đó, thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp tương tự.
Một số nhà nghiên cứu đưa ra báo cáo về trường hợp bệnh nhân nam 72 tuổi năm 2009, một cậu bé 13 tuổi vào năm 2010, cùng 2 trường hợp khác vào năm 2013. Tính từ năm 2004 - 2017, có khoảng 28 trường hợp mắc phải chứng bệnh này trên thế giới (trích báo cáo khoa học của Jacalyn Duffin từ ĐH Queen).
"Về tổng thể, các trường hợp về hematohidrosis xuất hiện với tần suất ổn định và có xu hướng tăng." - Duffin cho biết. Nhưng sự thực thì hiện vẫn chưa ai biết gì nhiều về chứng bệnh này.
Một số chuyên gia tin rằng nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan đến chứng trầm cảm. Lý do này không được công nhận, vì chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cụ thể với tầm vóc phù hợp xuất hiện. Tuy vậy, cũng có nhiều bằng chứng ủng hộ giả thuyết này.
Quay trở lại với trường hợp bệnh nhân 21 tuổi kia. Cô cho biết máu có thể đổ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả khi đang ngủ. Thông thường, mỗi lần đổ máu kéo dài từ 1 - 5 phút, và bệnh trở nên nặng hơn khi cô cảm thấy suy sụp về cảm xúc.
Cuộc sống của cô bị xáo trộn. Cô gần như sống tách biệt khỏi xã hội, vì quả thực hiếm có ai chịu đựng được tình trạng này. Các triệu chứng cũng gần như tương tự với hội chứng trầm cảm và hoảng loạn.
Do chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, các bác sĩ hiện chỉ điều trị cho cô bằng thuốc chữa trầm cảm. Dù tình trạng có khá hơn, nhưng chưa khi nào căn bệnh hoàn toàn biến mất.
Theo OCT (Trí Thức Trẻ)