Đây là lý do người có bể cá thường nuôi chúng rất cẩn thận và không cho ăn liên tục.
Khi một động vật được thả về môi trường không có loài thiên địch hay săn mồi, bản thân chính nó sẽ đóng vai trò đó, nhưng lại phá hỏng môi trường tự nhiên và nuốt chửng các động vật có vai trò quan trọng.
Các trường hợp tiêu biểu bao gồm dê được các thủy thủ chăn nuôi trên đảo Galapagos lấy thịt. Chúng sinh đẻ chóng mặt, xâm lấn môi trường làm rùa mai lớn trong vùng tuyệt chủng. Cá chép châu Á được nhập khẩu tới vài nước phương Tây để kiểm soát tảo thường xuyên tự húc đầu vào động cơ thuyền máy gây sự cố. Loài sâu New Guinea cũng "quét sạch" ốc sên làm chim chóc bị bỏ đói.
Bất ngờ là các loài động vật nguy hiểm này hoàn toàn có thể tới từ bể cá trong nhà mỗi gia đình. Tại Úc, 20 triệu con mèo được dân châu Âu mang tới lục địa này đã bị coi là mối họa, khiến 124 loài đang bị đe dọa. Lần này con vật bị đưa vào tầm ngắm vô cùng quen thuộc, đó là cá vàng.
Trong bể, chúng bé xíu bằng lòng bàn tay, nhưng khi thả vào môi trường tự nhiên, thói háu ăn sẽ khiến chúng lớn tới 2kg. Theo nhận định của các chuyên gia sinh học, có thể những gia đình chuyển nhà không muốn mang theo cả bể cá nặng nên đã vứt chúng xuống kênh rạch gần nhà. Họ không biết rằng những con cá này có thể ra sông và gây ảnh hưởng lớn tới môi trường nước cũng như sinh sống của các loài khác.
Vậy tại sao cá vàng tưởng chừng như vô hại lại khiến chính phủ Canada ra lệnh cấm thả bừa ra ao hồ vì sợ ảnh hưởng tới cả sông ngòi Mỹ?
Đầu tiên, chúng có thể phát triển vô cùng lớn. Ngoài việc ăn hết các loài cá khác, chúng khá giỏi luồn lách tránh những con cá lớn hơn, và ưa thích loại thức ăn vô cùng bổ béo đó là tổ trứng các loài khác. Chưa kể chúng có thể đem theo dịch bệnh dọc đường đi qua. Một nghiên cứu tại Úc đã theo dấu 1 con cá vàng hơn 220km.
Vì vậy, cách tốt nhất khi không muốn nuôi cá vàng nữa là chuyển cho ai khác hoặc trả lại cửa hàng.
Theo Mẫn Di (Dân Việt)