Đoạn video cho thấy những con vật này bị nhốt trong những chiếc lồng đầy phân cùng những quả cà phê đang phân hủy. Nhiều con còn có vết thương hở, theo PETA. Phó chủ tịch cấp cao của tổ chức Jason Baker cho biết đoạn phim này có được thông qua hoạt động bí mật do các nhà điều tra PETA thực hiện tại một trang trại ở Catur, Bali.
Ông nói: “Các hướng dẫn viên du lịch ở Bali thường đánh lừa khách du lịch khi cho rằng kopi luwak được lấy từ phân của cầy hương hoang dã”, ám chỉ tên loại cà phê bằng tiếng Bahasa Indonesia. “Tuy nhiên, thực tế là phần lớn lượng cà phê này là sản phẩm của việc giam giữ những con vật này trong điều kiện khắc nghiệt tại các trang trại”.
Theo PETA, đây không phải là lần đầu họ chứng kiến điều này. Một cuộc điều tra trước đó vào năm 2022 cũng cho thấy cầy hương châu Á bị nuôi nhốt, trong thời gian đó chúng được cho ăn một chế độ ăn ổn định gồm quả của cây cà phê. Thông thường cà phê sử dụng sẽ được thu hoạch từ hạt của loại quả này.
Trong tự nhiên, cầy hương châu Á, không thuộc họ mèo, ăn nhiều loại trái cây như xoài, chiku và chôm chôm, cũng như côn trùng và động vật có vú nhỏ.
Ông Baker nhấn mạnh rằng vấn nạn này còn vượt ra ngoài Bali, rộng khắp Indonesia và các cường quốc cà phê khác.
Vị này cho biết: “Không thể có được số lượng cần thiết để xuất khẩu nếu không nuôi nhốt cầy hương. Bất chấp sự chú ý và lên án của toàn cầu, cách đối xử vô nhân đạo đối với những sinh vật sống có cảm giác này vẫn tồn tại trong ngành cà phê”.
Phó chủ tịch PETA cho biết có nhiều điều thú vị về cà phê ở Indonesia. “Sự giam cầm, đau khổ và buồn bã mà những con cầy hương phải chịu đựng tất cả là vì kopi luwak. Du khách cần cảnh giác: hãy tránh xa cà phê cầy hương”.
Vì sao nhiều người săn lùng cà phê cầy hương?
Trớ trêu thay, nguồn gốc của loại cà phê này lại là lý do khiến nhiều du khách chọn dùng thử chúng.
Thêm vào đó, “còn có quan niệm sai lầm rằng cà phê cầy hương có hương vị độc đáo và điều này thường được các doanh nghiệp duy trì để thu hút người tiêu dùng và biện minh cho mức giá cao hơn cho sản phẩm của họ”, ông Baker nói.
Mức giá của loại cà phê này cũng là điều thu hút sự chú ý. Baker cho biết một kg kopi luwak có giá thành khoảng 20 triệu VNĐ (1.300 USD) và mỗi năm cũng chỉ có khoảng 200 kg được bán trên thị trường thế giới. Đó là lý do tại sao đây được coi là một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Wildlife Alliance, loài động vật có vú sống về đêm này có nguồn gốc từ Nam và Đông Nam Á đang bị đe dọa ở Indonesia. Việc sản xuất kopi luwak ngày càng tăng đã thúc đẩy hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Theo Đỗ An (VietNamNet)