Quán ốc nằm trong khu mộ cổ ở TP.HCM: Vị trí ‘độc’, đêm nào cũng kín khách

25/08/2023 13:37:01

"Ốc cổ mộ" là tên gọi mà nhiều thực khách dành cho quán ốc bình dân nằm gần đoạn giao Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng (Quận 5, TP.HCM).

Sở dĩ quán ốc được gọi với cái tên "nghe đã sởn da gà" là do vị trí nằm ngay trong khuôn viên khu nhà mồ của học giả Trương Vĩnh Ký - Petrus Ký (1837-1898), người làm chủ bút báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam - Gia Định báo. Nơi đây ngoài nhà cổ - nơi học giả Trương Vĩnh Ký từng ở những năm cuối đời và nhà mồ của ông thì còn có một nghĩa trang nhỏ của gia đình họ Trương.

Khu nhà mồ của học giả Trương Vĩnh Ký (Ảnh: SaiGon Palette)

Chủ quán "ốc cổ mộ" là ông Lê Quang Toại (sinh năm 1975, TP.HCM). 

Theo lời ông Toại, trước đây khu đất này là do gia đình vợ ông gìn giữ và trông coi. Hơn 20 năm trước, thấy phần khoảng sân trong khuôn viên còn trống, vợ ông Toại quyết định mở một quán ốc nho nhỏ với mong muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Không ai ngờ, đến hiện tại, quán ốc lại trở thành địa chỉ quen thuộc, thu hút rất đông thực khách mỗi ngày.

Ông Toại, chủ quán ốc nổi tiếng (Ảnh: Như Khánh)

Bên ngoài cánh cổng khu mộ cổ, quán chỉ trưng bày một sạp nhỏ với vài loại hải sản và biển tên đơn giản "Ốc sân vườn". Bước vào trong, những thực khách mới không khỏi ngạc nhiên vì cảnh đông đúc, tấp nập của quán. Quán ốc nằm giữa khoảng sân sau tam quan. Ngay phía sau căn bếp của quán chính là ngôi nhà do học giả Petrus Ký xây dựng năm 1886.

Dù được vợ chồng ông Toại đặt tên là “ốc sân vườn”, thế nhưng nhiều thực khách gần xa đến thưởng thức đồ ăn vẫn quen truyền tai nhau gọi đây là “ốc cổ mộ”. Cái tên này khiến nhiều người tò mò tìm tới.

“Thật ra người khởi nguồn cho cái tên “ốc cổ mộ” này là NSƯT Hữu Lộc. Trước đây ông ấy hay ghé quán ốc ăn, thấy quán có vị trí độc lạ nên đặt tên gọi như thế. Cuối cùng cái tên này lại thành đặc trưng của quán, đi theo quán tới tận bây giờ”, ông Toại cho hay.

Phía ngoài và trong của quán "ốc cổ mộ" (Ảnh: Như Khánh/Trung Nguyễn)

Một vị khách cho biết, cách đây vài năm, chị cùng bạn bè tìm tới quán vì tò mò về cái tên lạ. "Chúng tôi tới đây vào khoảng 20h. Khi gần tới, một thành viên trong nhóm còn lo sợ, rủ chúng tôi đổi địa điểm. Cô ấy hơi yếu bóng vía. Thế nhưng, cả nhóm vẫn quyết tâm tới khám phá xem sao. Không gian quán rộng, mát mẻ, không khí dễ chịu, đồ ăn ngon. Bây giờ, quán đã trở thành địa chỉ hội họp quen thuộc của nhóm", nữ thực khách kể.

Quán ốc của ông Toại mở bán từ khoảng 17 giờ đến 23 giờ mỗi ngày với hơn 30 loại hải sản khác nhau, phần lớn là các loại ốc như ốc len, ốc khế, ốc dừa. Mức giá trung bình tại quán ốc của ông Toại rơi vào khoảng 65.000- 70.000 đồng/món trở lên. Theo nhiều thực khách đánh giá, với một quán ốc bình dân thì mức giá này khá cao so mới mặt bằng chung.

Chia sẻ về mức giá, ông Toại bộc bạch: "Thật ra nhiều khách thấy mô hình quán bình dân nên họ mặc định giá cũng phải thật bình dân. Nhưng từ ngày mở bán, vợ chồng tôi tâm niệm phải chọn đồ ngon, tươi, chất lượng nhất. Đó là lí do mức giá không thể rẻ".

Ông Toại cũng nói thêm, nếu như đồ ăn bán đắt mà chế biến còn tệ thì khách sẽ không quay lại nhiều lần. Để quán đông đúc như hiện này, ông chủ này chú trọng mọi khâu, từ tìm nhập nguyên liệu an toàn, đến sơ chế, chế biến và cả những công thức độc quyền.

"Khách đến quán ăn ốc, trong đĩa có bất kì một con ốc nào bị thối, tôi sẵn sàng đền tiền mà không đôi coi hay đổ lỗi điều gì cả. Tôi luôn đặt cái tâm buôn bán lên hàng đầu, nhờ vậy mà mấy chục năm qua, quán vẫn luôn được khách yêu thương và tin tưởng”, ông Toại chia sẻ.

Các món ăn tại quán được đánh giá tươi, ngon, hương vị hấp dẫn (Ảnh: Trung Nguyễn)

Tại quán của mình, ông Toại tự tin nhất là những phần nước sốt và các loại phô mai với công thức chế biến riêng. 

Anh Trung (TP.HCM) thường ghé quán ốc nhâm nhi cùng nhóm bạn của mình. Anh chia sẻ: “Nhìn từ bên ngoài thì không thể biết được bên trong cánh cổng lớn có một quán ốc nhiệt tình, ngon miệng và thú vị như thế. Đồ ăn tươi ngon và sạch sẽ".

Chị Quyên (sinh năm 1995, TPHCM) hiện đang là một trong những "đệ tử ruột” đi theo ông Toại học nghề bếp. Ngót nghét hơn 12 năm theo ông, hiện chị Quyên đứng bếp chính của quán, được ông Toại truyền nhiều "bí kíp" để có thể duy trì công việc nấu nướng cho quán trong tương lai.

"Mình đi theo chú Toại hơn 10 năm rồi, từ ngày còn phụ chạy bàn cho đến lúc được chú tận tình chỉ dạy công thức. Chú có tâm lắm, không màng là người trong nhà hay người ngoài, chỉ cần có đam mê, có trách nhiệm và tình yêu nấu ăn là chú chỉ dạy tận tình”, chị tâm sự.

Theo Võ Như Khánh - Linh Trang (Vietnamnet)

Nổi bật