16h chiều, quán bánh rán của gia đình chị Nguyễn Thị Mai Hoa tại ngõ 242 Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu tấp nập người ra người vào. Chỉ sau 30 phút, thực khách ngồi kín những chiếc ghế nhựa đặt khép nép vỉa hè và gần quầy bếp, hơn chục người xếp hàng, nóng lòng chờ tới lượt gọi đồ. 10 thành viên trong gia đình chị Hoa thoăn thoắt làm các công đoạn, từ nặn bánh, chiên bánh, cắt bánh, đóng gói, thu tiền...
"Lúc đông thì có khi 20-30 khách xếp hàng chờ mua. Tuy vậy, chúng tôi cố gắng làm nhanh và chính xác nhất để khách chỉ chờ 5-10 phút thôi. Quán gia đình, bán món vỉa hè nên cũng không thể đầu tư cơ sở lớn, rộng rãi hơn được", chị Hoa chia sẻ.
Gọi là "quán” cho sang nhưng thực tế nơi bán bánh rán của gia đình chị Hoa chỉ có tấm bạt dựng tạm để che nắng che mưa, vài chục chiếc ghế nhựa sờn cũ, bạc màu... Quán nằm bên cạnh trạm điện và trước một ngôi đền, trong khu ngõ khá rộng nên khách đông vẫn có thể để xe và ngồi thoải mái.
Quán tuy nhỏ nhưng lượng bếp và chảo dầu khá "đồ sộ". 7 chiếc chảo ngập dầu được hoạt động hết công suất, chiếc lăn tăn, chiếc sôi sùng sục, phục vụ các công đoạn chiên khác nhau. Góc làm bánh và chế biến "lộ thiên" nên khách nào cũng có thể quan sát.
Theo tìm hiểu, quán bánh rán mặn Võng Thị này có tuổi đời hơn 30 năm. Trước đây, quán nằm ở phố Thụy Khuê, khu vực gần chợ Bưởi. Sau này vì nhiều lý do, quán được chuyển đến ngõ 242 đường Lạc Long Quân, Tây Hồ. Chị Hoa cho hay, tới nay, món bánh vẫn được làm theo đúng công thức mẹ chị truyền lại.
"Khi mới chuyển về đây, nằm trong ngõ khuất nên quán ít khách lắm. Mãi sau này, khách truyền tai nhau, quán mới đông như bây giờ. Hàng ngày mình mở hàng từ trưa tới tối nhưng 16h-18h là đông nhất. Mùa thu, mùa đông thì bán chạy hơn còn mùa hè thì hơi vắng”, chị Hoa vừa nặn bánh vừa cho biết.
Trước đây, có thời kỳ, mỗi thực khách sẽ được phát cho một chiếc vé có ghi số thứ tự và bao giờ chủ quán đọc đến số thì tới lượt gọi bánh. Bây giờ, lượng khách không quá tải, gia đình chị Hoa cố gắng phục vụ khách chậm nhất là sau 15 phút chờ đợi.
Quán phục vụ thực khách bánh rán ngọt và bánh rán mặn. Bánh rán mặn có giá là 9.000/chiếc, bánh rán ngọt là 6.000/ chiếc - khá cao so với những quán bánh rán khác.
Những chiếc bánh sau khi nặn được chiên lần lượt qua 6 nồi dầu lớn, ở nhiệt độ cao đến khi vỏ vàng ruộm, giòn tan. Theo chủ quán việc rán bánh qua nhiều lượt dầu sẽ giúp bánh luôn đạt được độ nóng giòn. Vỏ bánh rán được làm từ bột nếp trộn đều cùng dầu gấc nên màu sắc bắt mắt hơn.
Nhân bánh được chế biến cầu kì với đủ loại nguyên liệu: miến, nấm hương, mộc nhĩ, thịt heo và các gia vị. Chị Hoa luôn tự tay chế biến nhân bánh bởi đây là phần quan trọng nhất, giúp bánh có hương vị đặc trưng, đậm đà.
"Nếu nguyên liệu để tồn lại đến hôm sau bánh sẽ không bao giờ đạt được độ “mềm bên trong, giòn bên ngoài”. Nhà mình tính toán để nguyên liệu làm và bán hết trong ngày", chị Hoa cho hay.
Phần nước chấm chua ngọt, pha hơi sền sệt, có vị cay, được rưới trực tiếp vào bát bánh đã được xắt miếng vừa ăn, kèm một chút đu đủ xanh. Theo thực khách, nước chấm cũng là điều khiến họ "nghiện" bánh rán ở đây, sẵn sàng xếp hàng chờ đợi.
"Phần nước chấm này giúp bánh ăn hài hòa, không ngán. Đi nhiều nơi mà mình chỉ ưng ý bánh rán ở đây", anh Tuấn Anh (Bắc Từ Liêm) chia sẻ.
Chị Chi (Cầu Giấy) là khách của quán từ khi quán còn bán ở chợ Bưởi. "Mình quen với cảnh xếp hàng như thế này rồi. Mỗi lần mua cũng mất 15-20 phút nhưng món ngon, hợp khẩu vị, cả nhà đều thích. Mỗi mùa đông, có thời gian rảnh, mình qua vài lần để mua cho cả nhà thưởng thức. Ăn nơi khác, nhà mình không hợp", chị Chi cho hay.
Chị nói thêm, xác định đi vào ngày rảnh rỗi nên chị không cảm thấy khó chịu khi xếp hàng chờ đợi.
Khách ở đây đủ mọi lứa tuổi từ người già tới trẻ nhỏ, nhưng nhiều nhất là các bạn trẻ. Nhiều người tìm tới vì tò mò trước cảnh khách xếp hàng dài chờ mua bánh rán.
"Đây là lần đầu tiên mình tới quán. Mình chờ khoảng 20 phút thì có bánh. Bánh không xuất sắc như mình mong đợi nhưng cũng vừa miệng", Thùy An (Ba Đình) cho hay.
Hình ảnh thực khách xếp hàng chờ ăn phở tại một số quán có tiếng ở Hà Nội gần đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Không ít cư dân mạng cho rằng như vậy là "khổ, nhục vì ăn", "có phải thời bao cấp nữa đâu mà phải mất thời gian chờ ăn". Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến ở chiều ngược lại cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà đến các quốc gia phát triển trên thế giới, du khách cũng phải xếp hàng chờ thưởng thức các món ngon. Nhiều nhà hàng, cửa tiệm trở thành điểm đến hút khách quốc tế nhờ hình ảnh xếp hàng.
Theo Linh Trang (Vietnamnet)