Với lợi thế của một vùng sơn cước, Sơn La có nhiều thế mạnh nổi bật về nông nghiệp, đặc biệt gần đây Sơn La được chú ý nhiều hơn bởi tiềm năng du lịch. Nhờ nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ chưa chịu nhiều tác động của con người, trong những năm gần đây Sơn La thu hút được rất nhiều người quan tâm trong đó có cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhắc đến Sơn La không thể không nhắc đến những địa danh gợi lên trong lòng người như Cao nguyên Mộc Châu, Nhà tù Sơn La, thiên đường săn mây Tà Xùa, ngã ba Cò Nòi Huyền thoại,…
Cao nguyên Mộc Châu
Mộc Châu là huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La hơn 100km. Đây là địa bàn sinh sống từ lâu đời của các dân tộc Thái, Mường, Dao, Nùng, Mông, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun…, hội tụ bản sắc văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo.
Nơi đây có địa hình núi non hiểm trở, giữa những cao nguyên bạt ngàn là những triền núi trập trùng uốn lượn, những cánh rừng đại ngàn, xanh thẳm. Khí hậu ở Mộc Châu quanh năm mát mẻ, là điều kiện tốt để vùng đất này phát triển các loại nông sản, cây trái quanh năm xanh tốt, bội thu.
Một trong những lợi thế của huyện Mộc Châu là phát triển du lịch với tiềm năng du lịch phong phú. Trong đó, thế mạnh về du lịch sinh thái vốn là đặc trưng của vùng đất này. Phải kể đến các điểm dừng chân nổi tiếng, có sức hút lớn đối với du khách mọi miền như: Ngũ động bản Ôn, đồi chè trái tim, thung lũng mận Nà Ka, thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng, thung lũng Happy Land, đồi chè Ô Long Mộc Sương, đỉnh Pha Luông, hang Ma Suối Bàng, hang Dơi, vườn hoa nhiệt đới, bản Thung Cuông, thác Chiềng Khoa, bản Lóng Luông… Mỗi địa danh là một sắc màu thắng cảnh làm nên sức hấp dẫn đa dạng của du lịch Mộc Châu.
Mộc Châu là mảnh đất lành, mang một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, đậm nét đặc trưng của vùng núi phía Tây Bắc. Được xem là điểm đến thu hút nhất tỉnh bởi vẻ đẹp đáo, điểm chụp ảnh đẹp tại Sơn La.
Đây là vùng đất bạn có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm đều được, vì mỗi mùa ở Mộc Châu lại có một sức hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, mùa Mộc châu đón nhiều khách du lịch nhất là vào khoảng những tháng cuối đông đến đầu xuân.
Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La
Thủy điện Sơn La được xây dựng trên sông Đà, khởi công vào năm 2005 và khánh thành vào năm 2012. Sau khi được hình thành, thủy điện Sơn La đã tạo nên một hồ thủy điện lớn với chiều dài hơn 150Km, diện tích rộng khoảng 16.000 ha, đã tạo nên một tiềm năng lớn cho việc khai thác phải triển du lịch lòng hồ. Nhiều bản làng dân tộc đã bắt tay vào xây dựng mô hình Hợp Tác Xã du lịch như, bản Bon, bản Nà Tấu,..
Là vùng nhiều dân tộc cùng sinh sống, các dân tộc vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai, lễ hội Xên Pang Ả của dân tộc Kháng, lễ mừng cơm mới, lễ hội đua thuyền,… Du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La sẽ là trải nghiệm thú vị cho những bạn ưa thích khám phá, muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc vùng cao Sơn La.
Thiên đường săn mây Tà Xùa
Được biết đến, là điểm săn mây cực kỳ lý tưởng. Tà Xùa nằm ở độ cao từ 1.500-1.800 mét so với mặt nước biển nên Tà Xùa có khí hậu mát mẻ quanh năm. Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời điểm thích hợp nhất đi săn mây.
Đến Tà Xùa, bạn có thể chụp những bức ảnh tuyệt đẹp tại sống lưng Khủng Long ở Háng Đồng, mỏm đá Đầu Rùa, khu rừng nguyên sinh Tà Xùa, cây táo mèo cô đơn,…
Ngã ba Cò Nòi Huyền thoại
Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Cách đây 60 năm về trước, nơi này là một “yết hầu” mà quân Pháp quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Tại đây, máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cánh đồng Mường Tấc
Từ xa xưa người dân Tây Bắc đã có câu nói: “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc”. Câu này có ngụ ý xếp hạng các cánh đồng lúa của vùng núi Tây Bắc. Trong đó lớn nhất là cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên), rồi đến cánh đồng Mường Lò (Yên Bái); cánh đồng Mường Than (Lai Châu), cánh đồng Mường Tấc ở Sơn La.
Cánh đồng Mường Tấc rộng đến 1.600ha, kéo dài dọc theo con suối Tấc, ôm trọn ba phía thị trấn Phù Yên với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, được chăm chút, giữ gìn từ đời này qua đời khác, tô điểm thêm cho vẻ đẹp hiền hậu, quyến rũ của thị trấn huyện vùng cao.
Hồng Ngài - Hang A Phủ
Hồng Ngài là một xã thuộc huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La. Dân số huyện Bắc Yên đa phần là đồng bào người H’Mông. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” do nhà văn Tô Hoài viết năm 1952 được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Ngày nay, những nét đặc sắc về cuộc sống hoang sơ, hòa hợp cùng thiên nhiên núi rừng Tây Bắc vẫn còn lưu giữ. Hồng Ngài hiện có 71 ngôi nhà trình tường rất đẹp. Vào Hồng Ngài, bạn nên nhờ dân bản chỉ đường lên thăm hang A Phủ, được xem là nơi vợ chồng A Phủ từng trốn khỏi ách của cha con thống lý Pá Tra.
Bản Lướt - Mường La
Bản Lướt thuộc xã Ngọc Chiến, huyện Mường La của tỉnh Sơn La. Nằm ở độ cao trên 1.800 m so với mặt nước biển, nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ được coi như một Đà Lạt thu nhỏ, Bà Nà của Đà Nẵng và Sapa của Lào Cai. Thêm vào đó cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng các mó nước khoáng nóng tự nhiên đã tạo cho bản Lướt lợi thế phát triển du lịch.
Những ngôi nhà sàn ở Bản Lướt thường có phần mái lợp gỗ Pơ Mu hàng trăm năm tuổi, con người thân thiện và những bản sắc văn hóa độc đáo được đồng bào các dân tộc giữ gìn là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng.
Theo Khánh Linh (Nguoiduatin.vn)