Bún măng vịt là một món ăn truyền thống và phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong các bữa ăn gia đình hoặc quán ăn dân dã. Món này ghi điểm nhờ sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt của thịt vịt và vị giòn sần sật của măng, cùng với nước dùng đậm đà, gia vị vừa phải và các loại rau sống tươi ngon.
Brandon Hurley (còn được biết đến với biệt danh Phúc Mập) – một blogger du lịch người Mỹ, đã không tiếc lời khen ngợi món bún này. Anh miêu tả món bún măng vịt là "hương vị độc nhất". Anh chia sẻ rằng món bún không chỉ ngon miệng mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai yêu thích ẩm thực Việt Nam.
Một tô bún măng vịt ngon miệng, ngọt nước, đậm đà là sự kết hợp hài hòa giữa nguyên liệu và cách chế biến khéo léo. Dưới đây là chi tiết từng bước để bạn có thể thực hiện món ăn này ngay tại nhà.
Nguyên liệu:
- Thịt vị khoảng nửa ký
- 200g măng tươi
- 1 củ gừng
- 8 củ hành tím bào mỏng
- Bún tươi
- Rau nêm: hành ngò, rau răm, ớt
- Rau ăn kèm: rau muống bào, bắp chuối bào, giá
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, muối, đường, bột ngọt, tiêu, dầu ăn
Cách thực hiện:
- Sơ chế
Măng tươi rửa sạch, cắt lát và ngâm trong nước lạnh qua đêm để khử độc và giảm vị đắng. Thịt vịt làm sạch, ướp với gừng, muối, giấm để khử mùi, sau đó chặt thành từng miếng và ướp với hạt nêm, đường, nước mắm, tiêu khoảng 15 phút.
- Xào thịt vịt
Phi thơm hành tím bào trong dầu ăn, sau đó cho thịt vịt vào xào cho đến khi săn lại và thấm gia vị.
- Nấu nước dùng
Đun sôi nước, cho thịt vịt đã xào cùng xương vịt vào nồi và nấu cho đến khi mềm.
- Xào măng
Phi thêm một ít hành tím rồi xào măng với hạt nêm và đường cho thấm, sau đó cho măng vào nồi nước dùng cùng thịt vịt.
- Nước chấm
Pha nước chấm với gừng, ớt, đường, nước mắm và chanh theo khẩu vị.
Cuối cùng, bạn bày bún và rau sống ra tô, đặt miếng thịt vịt và măng lên trên, chan nước dùng và thêm hành phi cùng rau nêm.
Để nấu được một nồi bún măng vịt có nước dùng trong và thơm ngon, cần lưu ý những điểm sau:
- Sơ chế thịt vịt kỹ lưỡng: Thịt vịt cần được làm sạch sẽ, chà xát với gừng và muối để khử mùi hôi và rửa sạch với nước. Một số người còn sử dụng giấm hoặc rượu trắng để làm sạch thịt vịt hơn nữa.
- Luộc măng đúng cách: Măng tươi cần ngâm qua đêm trong nước lạnh rồi luộc sơ qua nước sôi để loại bỏ độc tố và vị chát. Nước luộc măng sau đó cần được đổ đi, không sử dụng để nấu nước dùng.
- Ninh nước dùng: Đun sôi nước và cho thịt vịt vào nấu ở lửa nhỏ để nước dùng không bị đục. Trong khi đun, nên thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong và sạch.
- Đun nước dùng với gừng và hành: Thêm gừng đập dập và hành tím phi thơm vào nồi nước dùng giúp tạo hương vị thơm ngon và giảm mùi hôi của thịt vịt.
- Xào thịt vịt trước khi nấu: Xào thịt vịt với hành tím đã phi cho thơm trước khi cho vào nước dùng sẽ giúp thịt vịt giữ được độ ngọt và không bị khô xơ khi ninh.
Món bún măng vịt khi hoàn thành sẽ có hương thơm của thịt vịt quyện với vị ngọt tự nhiên của măng và nước dùng đậm đà. Đây chắc chắn sẽ là một bữa sáng hoàn hảo, đủ sức làm ấm lòng người thưởng thức ngay cả trong những ngày se lạnh.
Theo Minh Anh (Đời sống Pháp luật)