Bánh quai vạc là món ăn dân dã phổ biến ở Phan Thiết (Bình Thuận). Những chiếc bánh có màu trắng trong, lộ phần nhân là con tôm đỏ. Những lớp bánh dinh dính được xếp chồng lên nhau, đặt trong một mâm nhôm lớn. Về hình dáng và cấu tạo, bánh quai vạc Phan Thiết giống bánh bột lọc nhưng nhỏ hơn. Cái tên xuất phát từ hình dáng giống chiếc quai của cái vạc.
Bánh quai vạc được làm từ bột mì tinh (bột mì lọc), có hai dạng phổ biến là bánh quai vạc trần và bánh quai vạc chiên. Với các tỉnh thuộc Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận… bánh được luộc chứ không chiên, ăn kèm với nước mắm ớt chua ngọt hay kẹp trong bánh mì. Món bánh mì quai vạc trở thành đặc sản "có một không hai" tại Phan Thiết, khiến du khách thích thú tìm kiếm, thưởng thức.
Theo bà Huê, chủ gánh bánh mì quai vạc nổi tiếng tại vỉa hè đường Võ Thị Sáu (Phan Thiết), cách chế biến món bánh quai vạc không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, tốn thời gian. Bánh phải được làm từ bột lọc, chế nước sôi vào sao cho bột chín tới. Sau đó, người làm bánh sẽ nhồi bột cho thật dẻo trước khi nặn. Phần nhân gồm tôm và thịt ba chỉ xắt nhỏ, được kho rim với đường, mắm ngon, hành củ, tiêu, hạt nêm...
Bà Huê bán bánh quai vạc đã mười mấy năm qua. Quán vỉa hè của bà là địa chỉ mua đồ ăn sáng quen thuộc với người dân địa phương. Sau này, quán được nhiều du khách cũng biết tới.
Thực khách có thể ăn bánh quai vạc với nước mắm pha chua ngọt hoặc kẹp trong bánh mì. Linh hồn của món bánh này là phần nước mắm Phan Thiết, pha với ớt, đường, có độ sệt, vị chua ngọt và cay tê đầu lưỡi. Khi dùng bánh quai vạc, người địa phương rắc thêm hành tím phi, tóp mỡ để tăng hương vị, ăn kèm dưa chuột.
Bạn có thể thưởng thức bánh quai vạc trên đường phố ở Phan Thiết với giá 15.000 đến 20.000 đồng/hộp. Như ở quán của bà Huê, tùy theo nhu cầu thực khách, bà bán hộp bánh từ 10.000 đồng. Hộp đắt nhất là 26.000 đồng với đầy đủ bánh quai vạc, dưa chuột, chả cá, chả lá, bánh mì và nước mắm. Thực khách ăn một suất như vậy là no căng bụng.
Gánh bánh mì vỉa hè của bà Huê thường bán từ 6h sáng tới trưa và từ 13-17h chiều. Bà Huê cho biết, ngày đông khách, bà làm khoảng 5kg bột. "Vài năm nay du khách tìm tới đông nên lượng bán rất đều. Tôi cứ bán tới khoảng 17h là nghỉ. Buổi tối tôi làm bột, nặn bánh tới khoảng 2h sáng. Công việc cũng vất vả nhưng vui", bà Huê cười tươi chia sẻ.
Nhiều vị khách từ xa tới gọi 2-3 đĩa bánh quai vạc để thưởng thức cho "thỏa cơn thèm" rồi mua hộp lớn, hộp nhỏ mang về.
Theo Linh Trang (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/mon-banh-quai-vac-ten-la-re-nhu-cho-khach-an-vai-dia-o-phan-thiet-2219162.html