Phong cách kiến trúc của người Tày ở Cao Bằng thể hiện nổi bật ở làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Đây là một làng cổ có lịch sử hơn 400 năm, cách trung tâm thành phố Cao Bằng gần 100km. Ngôi làng có khoảng 14 hộ gia đình người Tày sinh sống.
Đặt chân vào làng Khuổi Ky, du khách sẽ nhận ra ngay sự khác biệt. Hàng rào quanh nhà hay ngôi nhà sàn đều thiết kế hoàn toàn bằng đá. Đá còn được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc. Bởi vì, người dân nơi đây quan niệm rằng đá như một vị thần giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Bởi vậy mà trong luật tục của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá.
Theo như người dân ở đây kể lại, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để phòng thủ, những ngôi nhà sàn bằng đá được xây lên như những "pháo đài" và đó chính là khởi nguồn cho làng đá tồn tại đến ngày hôm nay.
Nhìn từ xa, ngôi nhà của người dân bản địa như nép mình bên dãy núi nổi bật giữa màu xanh của núi rừng nhưng vẫn trông thật vững chãi, chở che cho những cư dân hiền lành, chất phác. Phía trước làng là dòng suối Khuổi Ky thanh bình, nơi đám trẻ trong làng chiều chiều cùng tắm và nô đùa. Đến chiều muộn, khói bếp từ những ngôi nhà sàn đá bay ra, bảng lảng bên sườn núi, khiến bản làng trở nên cổ kính, nhuốm màu huyền thoại miền biên viễn.
Để hiểu rõ hơn về ngôi làng, nhóm phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã ghé thăm nhà cụ Nông Văn Trưởng (70 tuổi). Khi được hỏi về làng Khuổi Ky, cụ tự hào chia sẻ: “Trong tiếng Tày, Khuổi Ky có nghĩa là dòng suối nhỏ (ám chỉ dòng suối chạy ngay phía trước mặt làng, còn sau lưng là núi đá). Làng có diện tích khoảng 1ha, hiện có 14 hộ dân tộc Tày sinh sống. Để hoàn thiện một ngôi nhà sàn đá không hề đơn giản, người dân phải mất khoảng 2-3 năm mới hoàn thành xong. Trước đây, người thợ thường dùng vôi đã tôi hòa với nước và mật mía, cát để làm vật liệu dính các viên đá với nhau. Vì những viên đá có kích thước, trọng lượng khác nhau nên việc xếp những hòn đá thành tường khi xây nhà vô cùng khó khăn. Khó khăn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Để xếp được một bức tường bằng đá khi làm nhà, người thợ phải mất vài tháng”.
Cụ Lý Thị Mai, vợ ông Trưởng tiếp lời: “Ở đây ngôi nhà thường cao từ 7 đến 8m. Như các bạn cũng thấy, nhà sàn được lợp ngói âm dương và có 2 mái. Cột nhà được tạo nên từ các khối gỗ lim, bên dưới là các phiến đá được đẽo tròn kê chân cột. Bên trong nhà, các gian phòng được chia thành các ngăn tương ứng với không gian sinh hoạt của gia đình như: gian bếp lửa, gian thờ cúng tổ tiên, phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Bên dưới sàn có độ cao khoảng 2m là nơi để công cụ”.
Ngôi nhà sàn đá ẩn chứa những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của người Tày cao Bằng, do đó làng đá Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” năm 2008. Đến năm 2016, nắm bắt xu hướng thúc đẩy phát triển du lịch, địa phương đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng, với dịch vụ lưu trú homestay tại ngôi làng Khuổi Ky.
Hiện nay, người dân làng Khuổi Ky phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, hàng ngày đón nhận từng đợt khách du lịch ghé thăm, trải nghiệm sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá.
Anh Lâm, chủ một homestay tại đây cho hay: “Khi tôi sinh ra đã thấy có nhà sàn đá rồi. Nhà đá thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Từ lúc làng Khuổi Ky được chọn làm phát triển du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã tu sửa ngôi nhà mua sắm thêm các vật dụng để phục vụ lưu trú, ăn nghỉ cho khách du lịch”.
Ngày nay, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và thích thú tìm hiểu về ngôi làng cổ Khuổi Ky cùng những nét sinh hoạt truyền thống đặc sắc của người dân tộc Tày. Đến đây, khách du lịch còn được tham gia vào nhiều hoạt động sinh hoạt thường nhật cùng người bản địa.
Trước hiên nhà, hình ảnh những bó lúa, bó ngô được treo trước gió, tiếng cười đùa của lũ trẻ thơ và người dân hiền hòa, chất phác khiến ai cũng muốn thời gian trôi thật chậm để tận hưởng hết cuộc sống đậm chất núi rừng này.
Theo Thanh Hoài (Nhà Báo & Công Luận)