Dịp Tết Nguyên đán đã qua, song vào tháng Giêng Âm lịch ở Việt Nam, khắp tỉnh thành trên cả nước vẫn có rất nhiều lễ hội văn hóa truyền thống hay những điểm đến du lịch, thu hút lượng đông du khách đến du xuân. Địa điểm sau đây là một ví dụ. Ngôi đền nằm ở làng Diềm, xã Hòa Long, thành phổ Bắc Ninh, cách Hà Nội hơn 50km, tương đương với 1 giờ chạy xe.
Theo thông tin từ Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, vào dịp đầu năm mới, ngày mồng 1 hay Rằm hàng tháng, ngôi đền thu hút đông đảo du khách thập phương, số lượng lên tới hàng nghìn người chỉ trong 1 buổi. Không chỉ để chiêm bái, du khách tới ngôi đền còn để... rửa tay hay uống nước của giếng nước trong khuôn viên đền. Ngôi đền đặc biệt đang được nhắc tới chính là Đền Cùng - Giếng Ngọc.
Tồn tại đã từ lâu đời, Đền Cùng hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ. Theo dân gian truyền miệng, trước kia, từ thời Tiền Lý, Tiền Lê... quan quân triều đỉnh đánh giặc dọc sông Cầu, có đến chốn này cầu đảo và đều được ứng nghiệm, đánh bài quân xâm lược. Hay cũng có câu nói được nhiều người biết tới: "Dù ai đi lễ bốn phương, không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng". Câu nói này, hay cả câu chuyện trên, đã thể hiện sự linh thiêng của ngôi đền xứ Kinh Bắc này.
Du khách đến Đền Cùng vừa để tham quan, vừa để chiêm bái, cầu những điều may mắn, tài lộc, sức khỏe hay cả tình duyên cho một năm mới. Tổng diện tích của Đền không quá lớn, song thoáng đãng và được phủ bóng rợp cây xanh. Từ đó tạo nên bầu không khí trong lành, an tĩnh.
Và tất nhiên, ở giữa sân Đền, không du khách nào lại bỏ lỡ Giếng Ngọc - giếng nước trong xanh quanh năm với sự tích ly kỳ đằng sau.
Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, rộng khoảng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Đáy giếng có lớp đá ong tự nhiên, sâu khoảng 10m. Giếng Ngọc nổi tiếng gần xa với làn nước trong xanh quanh năm, chưa bao giờ cạn kể cả vào những mùa mưa ít, hạn hán. Nhiều giả thiết cho rằng, nước ở Giếng Ngọc là do mạch nước ngầm, chảy từ trong núi ra.
Đặc biệt hơn cả, trong giếng luôn 3 chú cá. Đằng sau 3 chú cá cũng là một sự tích ly kỳ, được người dân bản địa kể lại. Cụ thể, người ta truyền miệng 3 chú cá dưới Giếng Ngọc là "Cá thần". Không ai trong làng Diềm biết chính xác những chú cá này có dưới giếng từ bao rằng. Họ cho rằng chúng là hóa thân của 2 nàng công chúa triều Lý, vốn có công lập làng và truyền nghề cho dân làng. Một chú cá còn lại là một nàng hầu của 2 công chúa.
Trải qua nhiều biến cố như trận lụt năm 1957, 1971, khiến nước tràn quá miệng giếng, song 3 chú cá vẫn còn tại đây, không hề bơi đi nơi khác. Từ đó, câu chuyện về 3 chú cá trong Giếng Ngọc càng trở nên nổi tiếng. Người dân bản địa hay cả du khách thập phương càng tin vào sự linh thiêng vào giếng nước trong xanh này.
Ghé thăm Đền Cùng, không du khách nào không muốn trải nghiệm xuống gần làn nước của Giếng Ngọc, xin nước trong lòng giếng. Nước có thể dùng để pha trà, dùng để rửa mặt, rửa tay, hay thậm chí là uống trực tiếp. Chị Nguyễn Thanh Lam (đến từ thành phố Từ Sơn) nói với phóng viên Đài PT-TH Bắc Ninh: "Như thường lệ, năm nào tôi cũng đến đây để cầu may và uống một ngụm nước dưới Giếng Ngọc để giúp thanh tịnh tâm hồn, xua tan những phiền lo, mệt nhọc trong cuộc sống”.
Du khách Lê Thuý Phượng (đến từ Lâm Đồng) chia sẻ trên VTC News: "Tôi rất ấn tượng với sự cổ kính của ngôi đền này cũng như mọi ngôi đền, chùa ở miền Bắc. Tôi rất vui khi có dịp được đến đây và được thưởng thức thử nước trong Giếng Ngọc".
Qua hình ảnh có thể thấy, rất đông du khách, đa dạng ở mọi lứa tuổi, đều mong muốn chút nước dưới Giếng Ngọc như muốn đón lấy sự may mắn cho năm mới. Cũng bởi quan niệm rằng Giếng Ngọc rất linh thiêng, nên người xuống giếng lấy nước cũng phải cởi bỏ giày, dép để trên bờ rồi đi chân trần xuống sát miệng giếng, hoặc đi dép được nhà đền chuẩn bị sẵn.
Hiện nay, vào dịp đầu năm hay những ngày mồng 1 đầu tháng, Rằm giữa tháng, Đền Cùng - Giếng Ngọc là điểm đến thu hút không chỉ người Bắc Ninh mà còn đông đảo du khách thập phương từ mọi nơi tới tham quan, chiêm bái. Ghi nhận vào dịp Xuân Quý Mão 2023 từ Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, các lối đi vào Đền đều chật cứng người dân và du khách đến tham quan, cầu may. Khung cảnh trong Đền cũng vậy.
Là mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống, Bắc Ninh cũng có nhiều điểm đến du lịch tâm linh khác để du khách lựa chọn, giúp chuyến du xuân được trọn vẹn. Có thể kể tới những cái tên như chùa Phật Tích, đền Đô, đền Bà Chúa Kho, chùa Dâu, chùa Bút Tháp...
Theo Thu Phương (Nguoiduatin.vn)