Nhắc đến du lịch Đà Lạt trong vài năm trở lại đây, ngoài những quán cà phê sân vườn xinh xắn thì check-in sống ảo trước biển mây trở thành trào lưu cực hot được nhiều du khách ưa chuộng. Ai đến Đà Lạt cũng phải rủ nhau đi săn mây bằng được cho dù phải dậy sớm, vượt cả chặng đường dài thì đứng trước biển mây bồng bềnh, lên ảnh cực "thần thánh" là cảm giác ai cũng muốn trải nghiệm.
Trong rất nhiều địa điểm săn mây nổi tiếng ở Đà Lạt thì tọa độ được du khách truyền tai nhau nhiều nhất chính là khu vực xứ chè Cầu Đất, thuộc xã Trạm Hành. Nhờ view đẹp, cùng chiếc cầu gỗ vắt vẻo trên cao khiến nơi đây thu hút hàng trăm du khách đến "săn mây" mỗi ngày. Chính vì vậy tại đồi chè Cầu Đất hiện có rất nhiều quán cà phê mọc lên với mô hình cầu gỗ để phục vụ du khách đến săn mây cũng như trải nghiệm tham quan khu vực đồi chè. Tuy nhiên mới đây một đoạn clip ghi lại cảnh tượng du khách đi săn mây từ sáng sớm nhưng đến nơi lại vô cùng hoang mang khi nhận được sự hướng dẫn bởi 2 địa điểm săn mây khác nhau.
Đoạn clip thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, bên dưới phần bình luận rất nhiều người phản ánh rằng cảm thấy bị rối khi đến khu vực đồi chè Cầu Đất bởi ngay phía cổng vào đã có hàng loạt chỉ dẫn đường tới những điểm "săn mây" được cắm sát cạnh nhau.
Tại khu vực đồi chè Cầu Đất có nhiều biển hiệu giới thiệu về các điểm săn mây: "Điểm săn mây cầu gỗ cũ", "Săn mây cầu gỗ Bình Minh coffee", "Săn mây cầu gỗ Thích Thú Farm", "Cloud Island"...
Chưa hết rối bởi các biển chỉ đường, du khách lại càng hoang mang hớn khi chủ nhân của các các điểm săn mây này đứng trước cổng vào để chèo kéo, tranh giành khách. Ngay cả khi khách đã rẽ theo biển chỉ dẫn đến địa điểm "săn mây cầu gỗ Bình Minh" thì vào gần đến nơi lại tiếp tục có một người phụ nữ khác đến dò hỏi, chào mời khách du lịch rẽ vào cổng bên cạnh là một khu săn mây khác có tên "Săn mây cầu gỗ" bởi hai cầu gỗ này hoàn toàn khác nhau.
Không chỉ có vậy, một số chủ điểm săn mây còn hạ bệ đối thủ trước mặt khách du lịch, khẳng định bên nhà mình mới có mây khiến du khách lưỡng lự không biết nên xuống khu vực nào.
Mặc dù lối vào khác nhau nhưng cả 3 địa điểm “săn mây” này đều dẫn ra phía sau đồi chè Cầu Đất, nhìn xuống thung lũng. Cách thức trang trí, dịch vụ những địa điểm trên cũng na ná nhau. Giá vé vào những điểm “săn mây” thường là 120 nghìn đồng/người, bao gồm một phần ăn kèm nước uống.
Có thể thấy việc các địa điểm du lịch đặt tên gần giống nhau, có cổng vào nằm sát càng dễ dàng xảy ra tình trạng lôi kéo du khách. Cũng có không ít du khách đã đến đây trải nghiệm săn mây và chia sẻ rằng vì tranh giành khách nên nhiều lúc du khách cũng bị vạ lây. Với sự việc này, đa số du khách đều cảm nhận rằng du lịch Đà Lạt đang ngày càng mất đi bản chất vốn có của nó.
Theo H.Trang (Phụ Nữ Mới)