Vịt tỳ bà thực chất là món vịt nướng nhưng được rút hết xương, chỉ giữ lại phần xương cổ và tạo hình giống như chiếc đàn tỳ bà. Tuy nhiên, không chỉ thu hút thực khách bởi vẻ ngoài độc đáo, điều làm nên sức hấp dẫn cho món ăn còn nằm ở cách tẩm ướp, chế biến kỳ công.
Món ăn này xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội nhờ đầu bếp Hồng Vân, chủ một quán vịt ở phố Châu Long, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo chia sẻ, 8 năm trước chị có dịp đi du lịch Thái Lan và ghé thăm phố người Hoa, thưởng thức món vịt tỳ bà (hay còn gọi là Pypa Duck) của người Trung Quốc. Thấy hợp khẩu vị, chị ấp ủ ý định đem vịt tỳ bà về Việt Nam. Sau đó, chị cùng một vài đầu bếp khác đã nghiên cứu để tạo ra món ăn này sao cho hợp khẩu vị người Việt.
Với kinh nghiệm 20 năm làm đầu bếp, chị Vân đã nhanh chóng tìm ra công thức chế biến món vịt tỳ bà ngon nhất. Chị cho biết mọi việc phải thật tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, tạo hình cho đến cách nướng vịt.
Sau khi tẩm ướp, căng da và tạo hình, vịt được treo lên và hong khô trong khoảng 8-10 tiếng. Quá trình này giúp vịt ngấm đều gia vị và làm phần da săn lại, khi nướng sẽ giòn rụm cũng như lên màu đẹp hơn.
Cuối cùng, vịt được cho vào lò quay ở mức nhiệt đều. Theo chị Vân, nhiệt độ lò phải chuẩn, không được quá to hay quá nhỏ, phải người có kinh nghiệm mới làm được để vịt giữ được phần da giòn, không bị cháy hay thủng, rách, đảm bảo tính thẩm mỹ. Vịt tỳ bà sau khi nướng có thể giữ được độ giòn trong hai tiếng. Với thực khách ở xa, quán sẽ đóng gói hút chân không nguyên con, khách chỉ cần nướng lại bằng nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng trước khi thưởng thức.
Vịt tỳ bà hiện được bán với mức giá từ 250 nghìn đồng/con, ăn kèm với những món đồ chua và nước sốt đặc trưng. Quán vịt của chị Vân bán xuyên suốt từ sáng tới chiều, và có những thời điểm khách xếp hàng rất đồng, đôi khi phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ để có một phần vịt quay.
TN (SHTT)