Chị Đỗ Thị Thùy Dung (tên tại Pháp là Cathy Gerardo) thèm lòng heo khìa nước dừa (một món ăn tương tự như phá lấu, với ít gia vị đặc trưng hơn) tới mức, ở nước Pháp xa xôi, chị đã lùng tìm bằng được nguyên liệu, nấu một bữa ăn cho đã thèm.
"Mình mua được lòng heo non đông lạnh, người ta đã làm sạch và luộc qua rồi, nên khi nấu lên chỉ còn vị giòn chứ không tươm ra mỡ béo ngậy như nấu bằng đồ tươi. Ở đây cũng không có nước dừa tươi mà chỉ có nước dừa lon nên cũng không lên được màu như ý muốn.
Mình làm món này để ăn tối, mời đầu bếp và chồng mình (đều là người Pháp) ăn cùng. Ông chef vừa nhìn thấy đã hỏi đi hỏi lại món này có phải làm từ lòng gà chứ không phải lòng heo không, vì ông ấy chưa từng ăn lòng heo bao giờ", chị Dung chia sẻ.
Dù ẩm thực Việt đã trở nên quen thuộc với người nước ngoài, không phải món ăn đặc trưng nào cũng dễ dàng được đón nhận nhiệt tình ngay từ lần thử đầu tiên.
Hai ông Tây, một người là chồng chị Dung, một người là đầu bếp chính của nhà hàng tỏ ra thận trọng khi được mời thử món ăn đường phố của Việt Nam.
Ông đầu bếp cho hay, ông hay mua tai, mũi, lưỡi heo để ăn, cũng dùng lòng già heo để làm xúc xích, nhưng lòng non thì không phải nguyên liệu thường gặp.
Chồng chị Dung cũng hơi bối rối vì chưa từng biết hay ăn thử món lòng heo khìa nước dừa, dù đã từng được nếm các món hầm từ xách bò, lòng bò của vợ.
Sau một vài phút "thăm dò", hai người quyết định nếm thử. Ở Việt Nam, mọi người thường ăn lòng heo khìa nước dừa cùng bánh mì, mì gói, ăn cùng cơm hoặc ăn vã, chấm muối tiêu và rau răm. Còn chị Dung ăn cùng rau sống, dùng bánh mì để chấm nước xốt.
Đầu bếp Pháp nhận xét món ăn dễ ăn, hấp dẫn hơn ông hình dung, nếu có thể tìm được nguyên liệu tươi, khi nấu tươm mỡ ra thì sẽ ngon hơn. Ông còn mê đến mức lấy bánh mì chấm hết nước xốt, không để bỏ phí.
Khác với thái độ ban đầu, hai người đàn ông liên tục múc thêm đồ ăn, ăn không ngừng và "chỉ tập trung ăn, không nói gì nhiều, khác với mọi ngày". Chị Dung cảm thấy rất vui, vì ban đầu đã lo rằng hai người không ăn được món lạ.
Chị Dung sống cùng chồng tại Toulouse, một thành phố Tây Nam nước Pháp. Họ mở một nhà hàng nhỏ bán đồ ăn Việt và đồ ăn Pháp cùng các món "lai" đã 6 năm nay. Chị Dung và đầu bếp người Pháp là người đứng bếp chính.
Bữa tối mỗi ngày thường có đầu bếp và hai vợ chồng chị Dung ăn tối cùng nhau. Họ cùng chia sẻ niềm đam mê nấu nướng và trò chuyện về văn hóa. Chị Dung cũng thường quảng bá về ẩm thực Việt trong những bữa tối thân mật này.
Theo Bích Chi (Đời sống Pháp luật)