Xem nhanh: • 1. Nguyên liệu làm chân giò hầm thuốc bắc • 2. Cách làm chân giò hầm thuốc bắc • 3. Lưu ý khi làm chân giò hầm thuốc bắc 1. Nguyên liệu làm chân giò hầm thuốc bắc
1 cái chân giò1 gói thuốc bắc100g nấm đông cô100g hạt sen 1 quả dừaMột ít hành lá và rau mùiGia vị: đường phèn, muối, hạt nêm, tiêu
Nên chọn chân giò trước vì phần này xương ống nhỏ, nhiều thịt, ít mỡ. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam 2. Cách làm chân giò hầm thuốc bắc
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Chân giò mua về cạo sạch, rửa với nước và rượu. Tiếp đó, đem nướng vàng đều để khử mùi tanh và tạo cho chân giò có mùi thơm hấp dẫn. Hơn nữa, khi nướng vàng chân giò thì dù bị ninh lâu, lớp da vẫn giữ được vị dai mềm nguyên vẹn mà không bị bở nát.
Sau khi nướng xong, bạn cạo lại chân giò một lần nữa để loại bỏ những phần cháy xém. Tiếp theo, chặt miếng vừa ăn rồi cho cả phần móng và thịt vào chần qua nước sôi chừng 1 phút để loại bỏ bọt bẩn và mùi hôi. Sau đó, đem rửa chân giò một lần nữa với nước sạch rồi để ráo.
Tiếp đến, cho chân giò vào ướp với hạt nêm, nước mắm và một chút dầu ăn trong khoảng 15-20 phút cho ngấm gia vị.
Rửa sạch thuốc bắc. Ngâm nấm đông cô trong nước lạnh và rửa sạch. Hạt sen rửa sạch để ráo.
Hành lá, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 2: Hầm chân giò
Bắc nồi nước lên bếp với lượng nước hơi nhiều so với lượng ăn một ít. Bởi khi hầm lâu, nước sẽ bay hơi. Cho thuốc bắc vào nồi nước, nấu đến khi sôi.
Khi nước sôi, cho chân giò đã sơ chế và ướp gia vị vào nấu. Sau đó, thêm nước dừa, nêm nếm gia vị vừa ăn, rồi ninh với lửa vừa trong vòng 1 giờ.
Sau đó, cho nấm đông cô và hạt sen vào, tiếp tục nấu đến khi nấm và hạt sen chín thì tắt bếp. Vậy là đã hoàn thành món chân giò hầm thuốc bắc.
Bước 3: Thưởng thức
Múc chân giò hầm thuốc bắc ra bát, rắc hành lá, rau mùi đã thái nhỏ lên trên. Món này ăn kèm cơm hoặc ăn với mì đều hợp. Tranh thủ ăn lúc còn nóng để cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn này nhé.
3. Lưu ý khi làm chân giò hầm thuốc bắc
Chân giò hầm với thuốc bắc từ lâu được xem là một trong những món ăn dành cho phụ nữ sau sinh, người vừa ốm dậy. Các nguyên liệu trong thuốc bắc như hạt sen, kỷ tử, đẳng sâm, cam thảo, thục địa, táo đỏ... kết hợp cùng chân giò sẽ giúp bồi bổ sức khỏe, thúc đẩy quá trình hồi phục.
Bạn nên chọn chân giò đoạn có nhiều gân cho món hầm thuốc bắc sẽ ngon hơn. Bạn có thể chọn chân giò trước vì phần này xương ống nhỏ, nhiều thịt, ít mỡ.
Bạn nên chọn chân giò có phần thịt săn chắc, thớ thịt đều, có bề ngoài tươi và có màu hồng tươi, phần da lẫn thịt vẫn săn chắc. Đừng nên mua loại chân giò bắt đầu phát sinh mùi hôi lạ, chảy nước dịch vàng.
Bạn nên mua nấm đông cô, hạt sen và thuốc bắc tại các cửa hàng thuốc bắc hoặc các cửa hàng, siêu thị uy tín.
Bạn có thể lựa sẵn phần gói thuốc bắc đã đóng để hầm với chân giò hoặc bốc riêng lẻ từng vị ở siêu thị hoặc các cửa tiệm thuốc bắc. Nếu chọn riêng lẻ, bạn cần chuẩn bị đủ các vị bao gồm: Táo tàu, hoài sơn, cao tử kỳ, hạt sen, kim châm, thục địa, nhãn nhục.
Món chân giò hầm thuốc bắc này là một trong những món canh rất bổ dưỡng, phù hợp với cả những bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là các trường hợp ốm, suy nhược cơ thể. Do đó, bạn có thể áp dụng công thức này vào chế biến các món ăn tầm 1 tháng 2 lần.
Yêu cầu của món chân giò hầm thuốc bắc sau khi chín là phải có vị đặc trưng của thuốc bắc cùng mùi chân giò thơm lừng. Phần thịt phải đảm bảo chín mềm, không bị nát và quyện được đầy đủ hương vị của các loại nguyên liệu. Nước súp ngọt thanh hấp dẫn.
Chân giò hầm thuốc bắc thơm ngon, bổ dưỡng lại vô cùng dễ làm. Hãy vào bếp thực hiện ngay cách làm chân giò hầm thuốc bắc trên đây cho gia đình thưởng thức nhé. Chúc các bạn thành công!
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)